Nữ hoàng máy cắt

Nhắc tới công việc của mình, chị Đỗ Lam Bình (Công ty Truyền tải điện 1) nhớ mỗi lần đi công tác dài ngày, lại phải mang theo nồi niêu, xoong chảo, gạo, thực phẩm để nấu ăn. Chị lại là phụ nữ, rong ruổi khắp nơi theo các công trình đâu có phải là dễ dàng nhưng vì đam mê và yêu thích công việc nên cũng không thấy mệt…

Chị Đỗ Lam Bình

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước vẫn còn chiến tranh, những người con gái, con trai thời đó dù gian khó, vất vả vẫn vui tươi, yêu đời, cống hiến dựng xây đất nước. Chị Đỗ Lam Bình - Chuyên gia hàng đầu về máy cắt cũng không ngoại lệ.

Chị chia sẻ, dù là phận “nữ nhi” nhưng không hiểu sao chị lại chọn cho mình hướng đi theo ngành kỹ thuật. Học Đại học Bách khoa, chuyên ngành Điện, ra trường chị hăng say làm việc, lăn lộn, bôn ba cùng các đoàn công tác, ăn, ngủ, làm việc tại các trạm điện từ Bắc vào Nam.

Với chị, công việc là niềm vui. Chị không quản gian khó, không ngại dầu mỡ lấm lem để cùng anh chị em trong ngành Điện thắp sáng những vùng quê, cấp điện cho những công trình…

Dù ban đầu chị từ chối kể về mình, chị bảo mình không làm được gì nhiều, chỉ như những đồng nghiệp khác, không có gì để viết cả. Dẫu vậy, thuyết phục một hồi chị cũng cho tôi một cuộc hẹn.

Gặp chị trong một chiều đông yên ả, đối diện với người phụ nữ được ngành Điện tôn vinh, chuyên gia kỹ thuật có biệt danh “Nữ hoàng máy cắt” là người phụ nữ nhỏ nhắn, giản dị. Chị khác xa so với những gì tôi tưởng tượng khi nghĩ đến những người làm kỹ thuật về máy móc, nhất lại là dân khối A - Đại học Bách khoa.

Chị cho biết, thời kỳ chị đi học thì đất nước đã được thống nhất, sống trong hòa bình, nhưng vẫn còn nhiều gian khó. Tốt nghiệp và ra trường năm 1980, chị về làm việc tại Công ty Truyền tải điện 1 (lúc bấy giờ mới là Sở Truyền tải Điện lực I), với công việc chính là hiệu chỉnh, lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa máy cắt điện.

Lúc đó, cả nước mới bước vào thời kỳ dựng xây sau chiến tranh nên vẫn còn nhiều thiếu thốn. Những lần đi công tác, ngồi trên thùng xe không mui bạt, trong tiết trời nắng nóng, bên cạnh những máy móc thiết bị điện nặng nề, chỉ cần sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Nói tới công việc chính chị thường xuyên phải làm, chị cho biết: Trong quá trình truyền tải điện phải sử dụng điện áp cao, vì thế vấn đề đóng cắt và bảo vệ mạch điện cao áp nảy sinh, các công ty truyền tải phải dùng các loại máy ngắt, máy cắt mạch điện một cách tự động khi hệ thống có sự cố và ngắt mạch điện khi muốn nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện, hoặc dùng để đóng cắt mạch điện cao áp tại chỗ hoặc từ xa.

Trước đây, hệ thống máy cắt còn khá thô sơ và không hiện đại như bây giờ nên công việc của chị và các đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng với niềm đam mê cống hiến, lại yêu thích công việc, nhiều khi dầu mỡ bắn đầy người, chị cũng không nản.

Đã vậy, do đặc thù ngành Điện nên công nhân nam nhiều hơn nữ, đi công tác thời kỳ đó thì ăn uống tập thể, ngủ tập thể, vất vả lắm, nhưng ai cũng vô tư và cháy bỏng khát khao cống hiến, chứ chưa bao giờ nghĩ những khó khăn đó là trở ngại. Có khi đi làm cả ngày, dầu mỡ đầy người, nhà tắm là vách nứa che được đến ngang cổ, mùa đông hay hè thì cứ “vui với thiên nhiên” như vậy. Mà mùi hôi của dầu mỡ dù có xà phòng chải kỹ đến đâu vẫn không hết, nhưng tuổi mới lớn thì tất cả những khó khăn đó chỉ là chuyện nhỏ, niềm vui là khi công việc hoàn thành, được quây quần bên nhau trong bữa ăn tập thể, tối cùng nhau đi xem phim ở bãi khi có đoàn làm phim đến, với chị đó là những kỷ niệm không thể nào quên.

Mỗi lần đi công tác dài ngày, chị lại phải mang theo nồi niêu, xoong chảo, gạo, thực phẩm để nấu ăn. Chị lại là phụ nữ, rong ruổi khắp nơi theo các công trình đâu có phải là dễ dàng. Nhưng vì đam mê và yêu thích công việc nên chị cũng không thấy mệt.

Rồi chị gặp anh - người bạn đời học cùng trường, cùng ngành, cùng công ty nên hiểu công việc của nhau, anh đã luôn bên chị, tạo mọi điều kiện hỗ trợ để chị vừa hoàn thành thiên chức người vợ, người mẹ trong gia đình, vừa đi làm vừa nghiên cứu học tập.

Hơn ba mươi năm cống hiến cho ngành Điện, tôi hỏi về những thành tích đạt được, chị chỉ cười và nói không có gì đáng kể cả, với chị phần thưởng lớn nhất là chị được làm công việc mình yêu thích, được hết mình với đam mê công việc của mình và góp phần đem lại ánh sáng cho mọi gia đình.

Câu chuyện của chị như một thước phim trong đầu tôi về người nữ kỹ sư ngành điện, giản dị nhưng sâu sắc với ý nghĩa cuộc sống thật nhân văn. Đó là làm việc với đam mê và để cống hiến thì cho dù công việc đó có khó khăn vất vả đến thế nào, nhưng nếu ta yêu và hết lòng thì nó chính là niềm vui.

Chia tay chị khi ánh nắng chiều đã tắt, hoàng hôn buông đỏ ối trên Sông Hồng, tôi vui với niềm vui của chị, học được ở chị một lý tưởng cao đẹp là tìm thấy niềm vui trong công việc, cho dù mình ở đâu trong hoàn cảnh nào thì còn đam mê, còn nhiệt huyết, còn niềm vui, tất cả những điều giản đơn đó không phải ai cũng có thể hiểu và cảm nhận.


  • 18/10/2016 08:33
  • Nguồn: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2057