Người công nhân điện tình nguyện hiến máu cứu người suốt hơn 10 năm

Trò chuyện với PV chuyên mục vanhoa.evn.com.vn, anh Trần Thanh Sơn, 36 tuổi, nhân viên Đội sản xuất, Điện lực Phú Lộc (Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) chia sẻ, mang trong mình nhóm máu hiếm O Rh-, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng hiến máu khi có cuộc gọi từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Huế suốt hơn 10 năm qua...

Anh Trần Thanh Sơn trong một lần hiến máu tình nguyện. 

PV: Anh bắt đầu quan tâm và tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo từ khi nào?

Anh Trần Thanh Sơn: Năm 2008, khi tham gia hoạt động đoàn thanh niên ở địa phương, tôi đăng ký tình nguyện hiến máu nhân đạo lần đầu tiên. Lúc đó, bên cơ sở tiếp nhận máu không xét nghiệm được ra nhóm máu của tôi nên chuyển mẫu máu tới Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Huế. Trung tâm xác định tôi mang nhóm máu hiếm O Rh-. 

Bác sĩ cho biết, máu O Rh- hiếm lắm, chỉ có 0,04% người Việt mang nhóm máu này. Những người mang nhóm máu O Rh- chỉ có thể nhận được chính máu nhóm O Rh-, trong khi nguồn máu dữ trự thường không đủ, nên người nào chẳng may cần tiếp máu gấp là dễ gặp nguy hiểm. Vì thế, các y bác sĩ thường nói vui, máu O Rh- "quý hơn vàng".

PV: Cảm nhận của anh khi biết mình mang nhóm máu hiếm này?

Anh Trần Thanh Sơn: Trước đây, tôi đã luôn sẵn sàng tham gia các chương trình hiến máu. Nhưng từ khi biết mình mang nhóm máu hiếm, tôi thấy mình cần có trách nhiệm phải giữ gìn sức khỏe để có đủ điều kiện hiến máu bất cứ khi nào người bệnh cần.

PV: Tức là anh luôn trong tâm thế sẵn sàng đến hiến máu trong trường hợp cần kíp?

Anh Trần Thanh Sơn: Đúng vậy. Điện thoại của tôi luôn bật và để chuông. Chỉ cần cơ thể khỏe mạnh, tôi đều sẵn sàng đi hiến máu khi có cuộc gọi từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Huế.

PV: Trong hơn 10 năm tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo, kỉ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

Anh Trần Thanh Sơn: Thông thường, sau khi Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Huế liên lạc nhờ hỗ trợ, tôi đến bệnh viện hiến máu xong là về chứ ít khi để ý xem người cần máu là ai, bị bệnh gì. Nhưng có một lần, tôi biết được người nhận máu chính là đồng nghiệp của mình. Đó là một nữ nhân viên của Điện lực Quảng Trạch (Công ty Điện lực Quảng Bình). Chị ấy đang mang thai thì bị sốt xuất huyết, dẫn tới thiếu tiểu cầu. Sau khi hiến máu, tôi chủ động liên lạc hỏi thăm sức khỏe, được biết mẹ tròn con vuông, tôi rất vui. Đứa trẻ năm nay chắc cũng đã 4, 5 tuổi rồi.

Lãnh đạo đơn vị rất ủng hộ tôi tham gia hiến máu cứu người và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi. Có lần, khi chúng tôi đang đi xử lý sự cố mưa bão ở xã Lộc Vĩnh thì chị Hạnh, PGĐ Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Huế gọi đến đơn vị tìm tôi, nói có ca cấp cứu cần nhóm máu O Rh-. Biết được thông tin này, lãnh đạo đơn vị liền sắp xếp người hỗ trợ công việc để tôi có thể đến bệnh viện hiến máu trong thời gian nhanh nhất.

Nếu không được đơn vị tạo điều kiện như vậy, chắc chắn tôi không thể làm tốt cả công việc chuyên môn và các hoạt động tình nguyện trong những năm qua.

PV: Anh có điều gì muốn chia sẻ với các đồng nghiệp về hoạt động tình nguyện này?

Anh Trần Thanh Sơn: Trong cuộc sống, có rất nhiều mảnh đời khó khăn, thiếu may mắn cần đến sự giúp đỡ và những giọt máu của mình. Vì thế, tôi hi vọng các bạn đồng nghiệp nếu đủ sức khỏe, hãy tham gia hiến máu vì cộng đồng. Muốn hiến máu, chúng ta cần có sức khỏe tốt, vì thế hãy luôn chăm sóc tốt bản thân mình.

Những năm gần đây, EVN đã tổ chức Tuần lễ hồng thường niên, tôi nghĩ đây là chương trình rất ý nghĩa, chúng ta nên hưởng ứng và tham gia nếu có đủ sức khỏe.

Xin cảm ơn anh. Chúc anh luôn thành công trong công việc và cuộc sống!


  • 10/01/2019 09:20
  • Minh Phương
  • 1916