Môi trường làm việc của tôi luôn có sự cạnh tranh cao

Điều này đã gây không ít áp lực lên tất cả nhân viên. Ai cũng muốn mình có được thành tích cao trong công việc để được nhận đãi ngộ tốt hơn. Vì vậy, tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc là… rất kém. Xin chuyên gia cho biết, môi trường làm việc như vậy có phải là cạnh tranh lành mạnh hay không và có tốt cho sự phát triển của tổ chức? Phan Quỳnh Anh (số 11/378 Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chào bạn Phan Quỳnh Anh! 

Cạnh tranh không chỉ là quy luật tất yếu trong xã hội phát triển hiện mà còn là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của nhân loại đạt hiệu quả cao và bền vững. Tuy nhiên, cạnh tranh nội bộ khác với cạnh tranh ngoài xã hội về tính chất và mức độ.

Cạnh tranh trong nội bộ công sở hay tổ chức thường vẫn phải nằm trong khuôn khổ duy trì sự đoàn kết, thống nhất của một hệ thống quản lý, không mang tính triệt hạ, đối chọi nhau kiểu “một mất một còn” như các đối thủ cạnh tranh bên ngoài. Cạnh tranh nội bộ tổ chức có mục tiêu và là một phương pháp quản trị hữu hiệu, tạo động lực cho mọi thành viên nỗ lực vươn lên, qua đó, tuyển chọn được người xuất sắc, người quản lý xứng đáng và làm cơ sở để đánh giá khen thưởng, bổ nhiệm nhân sự một cách công tâm, công bằng, công khai. Sự cạnh tranh giữa các đối tác trên thương trường ngày nay cũng đề cao nguyên tắc hợp tác, nguyên tắc cùng thắng (win - win),  nhưng thực sự rất khó thực hiện vì có sự xung đột về lợi ích và thiếu lòng tin, thiếu các yếu tố nền tảng chung như luật pháp, văn hóa… Vì vậy, đặc điểm của cạnh tranh nội bộ bị giới hạn và mức độ thấp hơn so với cạnh tranh ngoài xã hội. 

Tổ chức của bạn hiện đang có “môi trường cạnh tranh cao, gây áp lực lớn cho nhân viên,” nhưng tôi chưa hiểu môi trường cạnh tranh đó có đảm bảo sự công bằng và công tâm chưa? Kết quả của nó có tạo ra được những cá nhân và tập thể xuất sắc, có thể làm tấm gương cho tất cả mọi người hay không? Tôi cảm thấy, hình như bạn chưa thực sự yên tâm và không thích môi trường làm việc hiện nay của mình! Thêm nữa, mỗi cá nhân chỉ mong đạt thành tích cao nhất để nhận đãi ngộ cao mà không quan tâm đến việc hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém   trong lĩnh vực quản trị nhân lực và xây dựng văn hóa tổ chức ở đây. Như vậy, có thể khẳng định, môi trường làm việc của bạn chưa đáp ứng được sự phát triển của tổ chức. Trách nhiệm của lãnh đạo là phải có giải pháp hiệu quả, thu hút sự tham gia tích cực của tất cả nhân viên, đồng thời cải tạo môi trường làm việc sao cho tốt  hơn. Mục tiêu cuối cùng không phải là loại trừ cạnh tranh nội bộ mà cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, phát huy tinh thần làm việc theo đội, nhóm, góp phần tạo nên sức mạnh của cả hệ thống. Sau đây là một số gợi ý:

Lãnh đạo cần chủ động xây dựng và gương mẫu thực hiện đầy đủ 4 yếu tố và điều kiện cơ bản cho sự cạnh tranh nội bộ diễn ra một cách công bằng, lành mạnh: (i) xây dựng quy chế, quy định cạnh tranh nội bộ công bằng, minh bạch, (ii) có môi trường làm việc tự nhiên và tâm lý, văn hóa lành mạnh, (iii) có cơ chế và công cụ đánh giá, thưởng - phạt công bằng, (iv) tuyển dụng, đào tạo và sử dụng, bổ nhiệm nhân sự công khai, minh bạch. Kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, tránh sự bao che, thiên vị cho con cháu, người nhà, người thân quen...


  • 10/09/2020 03:35
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 672