Kỹ sư điện “Hai Giác” Công ty Điện lực Phú Yên: Nghĩ về an toàn, làm việc an toàn, sẽ an toàn

Anh “Hai Giác” là một người đầy trách nhiệm, đam mê công việc trong lĩnh vực đảm bảo an toàn cho mỗi anh em công nhân ngành Điện.

Tháng 9/1976, khi đang học lớp 11, anh Giác tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Năm 1978, anh được cử đi học lớp sơ cấp điện ô tô và được giữ lại giảng dạy, huấn luyện tại Trường Hậu cần Quân đoàn 2. Năm 1984, anh bắt đầu “bén duyên” với ngành Điện. Thời gian đầu, anh lái xe kiêm sửa chữa máy phát diezen; sau đó được đi bổ túc tay nghề.

Anh Giác (ngoài cùng bên phải) đang sửa máy phát diesel.

Anh Lê Văn Giác chia sẻ: Khi đó, Chi nhánh Điện Tuy Hòa còn rất đơn sơ, chỉ có vài chục người, quản lý một địa bàn rộng lớn, phương tiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất rất nghèo nàn, tạm bợ. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là quản lý và bảo trì 2 máy phát diezen ở Tuy Hòa và Sông Cầu. Trước đây, mỗi khi có sự cố đều phải nhờ lực lượng sửa chữa Nha Trang, thuộc Sở Điện lực Phú Khánh ra khắc phục. Với kinh nghiệm vốn có trong thời gian quân ngũ, anh đã mạnh dạn đề xuất và được Công ty cho phép tự nghiên cứu, sửa chữa thiết bị khi có sự cố xảy ra. Từ đó, anh đã cùng một số đồng nghiệp mày mò, sửa chữa các thiết bị máy móc, nghĩ ra nhiều cách làm mới để khắc phục những hạn chế của hệ thống điện; tiết kiệm đáng kể chi phí cho đơn vị.

Trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, từ năm 2009 đến nay, anh làm Trưởng phòng An toàn của Công ty. Anh Giác tâm sự: “Bản thân mỗi người lính khi đã xông pha ngoài chiến trường thì không có gì là không thể làm được. Do vậy, tôi luôn làm việc với tinh thần của một người lính, không ngại khó, ngại khổ và liên tục chấp nhận với những thử thách khó khăn, miễn là tạo được lợi ích cho đơn vị, cho đất nước. Hơn 30 năm nay, mặc dù đã xuất ngũ, nhưng tôi vẫn luôn xem mình là một người lính, người lính trên mặt trận kinh tế, kiến thiết đất nước”.

Với vai trò là Trưởng phòng An toàn, anh luôn tâm niệm: “Trong ngành Điện có những công việc được lặp đi, lặp lại qua nhiều năm với một quy trình, thủ tục, dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, coi thường. Người làm công tác an toàn luôn mong muốn anh em công nhân có suy nghĩ tích cực và trách nhiệm về an toàn thì làm việc sẽ an toàn. Bởi có một chân lý luôn luôn đúng trong lao động sản xuất đó là người hạnh phúc nhất là người chấp hành an toàn tốt nhất”.

Nhắc đến Hai Giác, anh Phạm Đình Quyền, cán bộ phụ trách An toàn của Điện lực Sông Cầu, người đã làm việc và gắn bó cùng anh Giác nhiều năm, cho biết: Anh Lê Văn Giác là một cán bộ đầy kinh nghiệm. Anh thường xuyên đi thực tế kiểm tra hoạt động tại các điện lực, xuống tận hiện trường, tận tình nhắc nhở, hướng dẫn công nhân thực hiện đúng quy trình. Với những người trực tiếp thao tác trên lưới điện, chỉ cần một phút xao lãng, một hành động không đúng kỹ thuật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như thiệt hại khôn lường cho lưới điện. Do vậy, những lời nhắc nhở, phê bình đúng lúc, đúng chỗ của “ông thầy giáo khó tính” đã giúp công nhân ngày càng tự tin, trưởng thành hơn và yên tâm hơn khi làm việc.

Trong công việc, anh Giác luôn áp dụng những kinh nghiệm, sáng kiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức của anh em. Là một đảng viên với gần 30 năm tuổi Đảng, anh luôn làm việc gương mẫu, lối sống giản dị và chân thành. Nhờ vậy, trải qua nhiều vị trí khác nhau, ở đâu anh cũng được anh em, đồng nghiệp xem là người anh cả đầy trách nhiệm và nhiệt huyết, một “người lính” suốt đời kiên trì, tận tụy của PC Phú Yên.

Anh Lê Văn Giác:

  • Năm sinh: 1958
  • Năm 1984: Lái xe kiêm công nhân sửa chữa máy phát diezen thuộc Công ty Điện lực Phú Yên;
  • Năm 1987 – 2000: Tổ trưởng Tổ vận hành sửa chữa diezen - phân xưởng Điện, Chi nhánh điện Chí Thạnh, Điện lực Tuy An.
  • Năm 2000 - 2001: Phó Trưởng Chi nhánh điện Chí Thạnh, Điện lực Tuy An.
  • Năm 2002-2008: Phó Phòng Kinh doanh, Điện lực Phú Yên.
  • Năm 2009 đến nay: Trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực Phú Yên.

 


  • 24/06/2018 08:00
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1811