“Hoa cam” trên xứ Nẫu

Nhắc đến Phú Yên, mọi người sẽ nghĩ ngay đến xứ Nẫu với “hoa vàng cỏ xanh”, đầy chất thơ và mộng. Tôi may mắn đã vài lần đến mảnh đất này, được rong ruổi cùng những người thợ điện Phú Yên trong hành trình thắp sáng quê hương. Nhìn những giọt mồ hôi các anh hằn in trên màu áo cam, tôi thấy giống như hoa nở trên vai áo của những người thợ cần mẫn. Với tôi, “hoa cam” đẹp và chất chứa một vẻ đẹp rất đời.

Phú Yên! Cái tên như gửi gắm niềm mong mỏi về sự no đủ và an yên của những lưu dân đầu tiên theo chân Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đến mảnh đất này từ thuở hồng hoang khai canh mở cõi, lập nên xóm làng.

Ước vọng là thế nhưng về mặt địa lý, đây là vùng đất bán sơn địa nằm lọt giữa hai con đèo được xếp hạng vào loại hiểm trở bậc nhất trên đường thiên lý Bắc – Nam của đất nước hình chữ S: Phía Bắc là đèo Cù Mông giáp ranh với “đất võ” Bình Định; phía Nam có đèo Cả với những “núi cao ngút, dặm về heo hút” án ngữ, phân chia địa giới với tỉnh Khánh Hòa. Hai cực còn lại của xứ Nẫu có phía Đông giáp biển, phía Tây dựa vào núi. Địa hình như vậy đã khiến mảnh đất này “kẹt” trong thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đối với ngành Điện, địa hình phức tạp là một trong những khó khăn, trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến mọi mặt sản xuất kinh doanh.

Những sắc cam cần mẫn mỗi ngày để đem lại ánh sáng, văn minh cho bà con Phú Yên.

Lần này, tôi đến Phú Yên đúng vào những ngày cao điểm của đợt nắng nóng gay gắt. Phan Minh Vương – công nhân Đội quản lý điện tổng hợp Nam Tuy An (Điện lực Tuy An), nhìn bề ngoài kham khổ, dạn dày sương gió nhưng đoán chắc chỉ trạc tuổi tôi, nhận chở tôi bằng xe máy đi thực tế.

- Anh muốn đi đâu?

- Đến thủ phủ của xứ "hoa vàng cỏ xanh".

- Lên đấy chỉ có chụp ảnh “seo phì”, sống ảo chứ có liên quan gì đến điện đóm!

Dứt lời, Vương nổ một tràng cười khoái trá. Đoán Vương không phải tay vừa, tôi cự lại:

- Có đấy! Tôi đến để nghe bà con nói về điện, nói về công việc của các anh.

Như mở tấm lòng, Vương bắt đầu kể với giọng tâm tình: Đội em có 10 người, quản lý lưới điện 6 xã cánh Nam Tuy An, trong đó 8 anh em là công nhân lao động trực tiếp, phục vụ khoảng 17.000 khách hàng, sản lượng điện chủ yếu là sinh hoạt gia đình. Khu vực nông thôn không có tên đường, không có số nhà, công nhân tụi em đi làm phải ghi nhớ từng khoảng trụ, từng con đường, từng gốc cây vì đó chính là “địa chỉ” của khách hàng. Đi làm, ngoài công việc chuyên môn thì tụi em hay hỏi thăm, trò chuyện với khách hàng, kết thân với người dân, cả già cả trẻ. Nên khi cần gì là bà con sẵn sàng hỗ trợ ngay. Ví như địa bàn xã vùng núi An Thọ, đất rộng, dân thưa, mùa mưa đi lại khó khăn. Anh em lên đó thực hiện nhiệm vụ, có lúc đường sạt lở không đi về được, nếu “dân vận” không khéo thì ai cho ăn, cho ở? Tụi em tâm niệm, sống và làm việc phải có nghĩa tình, cốt để “đi dân nhớ, ở dân thương”!

Câu chuyện dọc đường khiến tôi đồng cảm. Tôi quan sát Vương thấy đuôi mắt anh chằng chịt nếp nhăn, làn da xạm đen cháy nắng, tay chân chai sần thô ráp… Cộng thêm màu áo cam bạc đi theo mưa nắng khiến Vương trông già hơn nhiều so với cái tuổi “băm lưng chừng”. Quả tình, cái nắng, cái gió, sự gian khổ đã bào mòn tuổi xuân “lính áo cam” xứ Nẫu nhanh đến đáng sợ. 

Ngồi sau, tôi nhìn thấy áo Vương bắt đầu lấm tấm, rồi những giọt mồ hôi cứ lan dần ra,… rộng cả tấm lưng. Tôi buột miệng than rằng, nắng gắt quá. Tưởng nhận được sự đồng tình, không ngờ, Vương cười: "Thế này thì bõ bèn gì, tụi em còn phải leo chót vót lên đỉnh trụ mà làm việc giữa trưa. Chạm tay vào xà, sứ, dây điện, trụ điện… đều nóng chẳng khác gì cầm trúng hòn than. Vậy mà làm riết cũng quen". Thảo nào mà lúc nãy lén nhìn đôi bàn tay Vương, nó sần sùi đến thế!

Cái nắng vẫn đang đều đặn dội xuống khô khốc, bỏng rát. Vương chia sẻ: Học xong, em vào ngành Điện công tác từ năm 2005. Trước đây, em đi làm xa ở tận Sơn Hòa, cách nhà 50 cây số. Mỗi ngày, 2 lượt đi về, rồi chạy loanh quanh trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ, tiền xăng ngót ngét gần nửa tháng lương. Năm 2011, em được điều chuyển về gần nhà hơn, đi đến Đội chỉ còn khoảng 10 km.

- Công việc chuyên môn của anh là gì?

- Hầm bà lằng!

Tôi chưa kịp “động não” thì Vương đã lém lỉnh giải thích, anh em trong Đội làm đủ thứ việc: Ghi chỉ số điện, lắp đặt công tơ, xử lý sự cố, thay công tơ định kỳ, quản lý đường dây hạ thế, tiếp nhận hồ sơ khách hàng… “Công việc nói là 8 tiếng mỗi ngày nhưng thường thì tụi em làm nhiều hơn. Có khi xuyên trưa, quá chiều, làm xong mới nghỉ. Buổi tối còn phải thay phiên nhau trực ca anh ạ. 3 đêm ngủ nhà, 1 đêm xa vợ” – Vương bông lơn về nghề.

Câu chuyện đang ngon trớn bỗng khựng lại, Vương thắng vội, trước mặt là barie chắn ngang. Người bảo vệ đứng tuổi bước ra, nhìn Vương gật gật, cười xuề, rồi nhanh chóng mở chắn. Đúng là “gã” dân vận khéo!

Gửi xe, chúng tôi cuốc bộ trên con đường đất bụi pha cát xồm xộp dẫn lên ngọn đồi thuộc khu vực bãi Xép - gành Ông (xã An Chấn, huyện Tuy An) mà nay đã “chết tên” là đồi “Hoa vàng cỏ xanh”. Dõi mắt về hướng đường dây điện uốn cong theo con đường dân sinh dưới chân đồi, tôi bảo Vương: “Điện đóm của anh cũng hăng hái thể hiện vai trò phục vụ?”.

Vương không vội trả lời mà dẫn tôi xuống quán hải sản Hoa Vàng. Chủ quán Lê Thanh Như (32 tuổi) mau mắn: “Gia đình em kinh doanh quán nhậu, bán hải sản tươi sống được mấy năm nay rồi. Nghề này, sử dụng điện không nhiều nhưng điện lại cực kỳ quan trọng, rất cần nguồn điện ổn định, liên tục 24/24h để chạy tủ đông, cắm máy sục oxy bảo quản cá, tôm, cua, ghẹ, mực… May là lâu nay cũng hiếm khi cúp điện. Bên điện lực đã cải thiện dịch vụ tốt hơn nhiều”. Dứt lời, Như tất bật chạy quanh để phục vụ, khách đang gọi ông chủ í ới…

Rời quán Hoa Vàng, mặt trời đứng bóng. Tôi và Vương chạy xe tìm quán nước, bỗng nghe đằng xa vọng lại: "Thợ điện! Thợ điện!". Chúng tôi đi về phía phát ra tiếng gọi, thì thấy một bóng áo cam khác đang lúi húi sau chiếc tủ kem (Hóa ra, không phải gọi Vương). Đứng bên cạnh là chị chủ nhà Nguyễn Thị Huệ, bán tạp hóa và cà phê giải khát, phân trần: “Cái tủ không vô điện từ sáng sớm, nhờ quanh chẳng ai sửa được, may gặp chú Hòa”. Người thợ điện mà chị Huệ vừa nói là anh Trần Hòa, 52 tuổi, nhỏ thó trong bộ đồng phục màu cam, công tác cùng đội với Vương.

Cắm điện, tủ kem lại chạy xè xè, mắt chủ nhà sáng rỡ, còn lưng áo anh Hòa thì ướt nhẹp, mồ hôi trên mặt túa ra nhỏ thành giọt. Rót nước mời chúng tôi, chị Huệ nói: “Xóm này dân biển, đàn ông trai tráng ra khơi hết. Nên khi điện trong nhà không sáng, nồi cơm trục trặc, tủ lạnh không chạy… là tụi tui chỉ biết gọi các chú thợ điện đến kiểm tra, sửa giúp. Các chú thấu hiểu hoàn cảnh neo người nên nhiệt tình lắm, bất kể nắng mưa, hễ gọi điện nhờ là họ đến ngay, chẳng nề hà gì cả”.

Lời chị Huệ khiến tôi thấm thía về cụm từ “dân vận khéo” mà Vương đã nói trong câu chuyện dọc đường đi, như một cách hành xử ấm tình của những người thợ điện xứ Nẫu. Văn hóa chẳng ở đâu xa!

Còn với lãnh đạo địa phương, có lần ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chia sẻ: “… Hình ảnh công nhân kéo đường dây tải điện, dựng những cột điện trên núi, trên đỉnh Trường Sơn rất vĩ đại. Tôi nghĩ ngành Điện xứng đáng là một ngành tiên phong, anh hùng và bản lĩnh. Công việc đã tôi luyện hình thành nên bản lĩnh. Và những đóng góp của ngành Điện đối với đất nước là quá rõ; trong bất cứ giai đoạn nào, kể cả trong chiến tranh, trong hòa bình, hay công cuộc xây dựng đất nước… đều được lịch sử ghi nhận, đất nước và nhân dân ghi nhận”.

Với những gì mắt thấy tai nghe, đọng lại và lan tỏa trong tôi là hình ảnh “hoa cam” luôn âm thầm cống hiến, lặng lẽ và tận tụy trên từng hàng cột, từng tuyến đường dây...


  • 26/07/2018 08:22
  • Lê Hải
  • 1466