Hành trình sáng tạo từ tình yêu nghề

Những năm qua, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động sâu rộng, thu hút đông đảo người lao động trong Tập đoàn tham gia. Từ những phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Tận tâm với nghề

Anh Trần Đức Quang (đứng trước) thao tác thiết bị - Ảnh: CTV.

Với công nhân Trần Đức Quang, Đội QLVH lưới điện cao thế Quảng Bình (thuộc Công ty Điện lực Quảng Bình) - người vừa được vinh danh là công nhân lao động giỏi, tiêu biểu EVN giai đoạn 2017 - 2019, đằng sau mỗi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh là sự trăn trở, nhiệt huyết với công việc mỗi ngày, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn cho đơn vị, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua trong đội ngũ công nhân lao động.

26 năm gắn bó với nghề, với bản tính ham học hỏi, sự năng động, nhạy bén, ý thức làm chủ công nghệ, luôn muốn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đã giúp anh Quang có hơn 10 sáng kiến và giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất lao động. 

Mới đây, khi Đội QLVH lưới điện cao thế Quảng Bình được PC Quảng Bình giao nhiệm vụ sửa chữa lưới điện 35 kV, 22 kV, anh Quang cùng các đồng nghiệp đã tính toán và tự gia công các dụng cụ thi công nhằm giảm sức lao động, đảm bảo an toàn, đẩy nhanh tiến độ thi công như sử dụng các ổ bi để gia công puly kéo dây, ghế thao tác, trụ giả, sử dụng trục và lazang ô tô hỏng gia công mễ kê, kích đỡ... Nhờ có những cải tiến kỹ thuật, việc sửa chữa lưới điện 35 kV, 22 kV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được hoàn thành, trả lưới trước tiến độ 3 ngày.

Anh Quang còn là "cha đẻ" của nhiều cải tiến kỹ thuật được áp dụng tại PC Quảng Bình như giải pháp “Gia công khớp nối truyền động DCL TD31-1 đảm bảo công tác vận hành tại TBA 110 kV Ba Đồn”; “Gia công trước tấm lắp đặt rơ le tủ RP3 để giảm thời gian cắt điện trong công trình: Hoàn thiện sơ đồ thanh cái TBA 110 kV Sông Gianh”; “Gia công bộ dụng cụ chuyên dùng để thay thế bình ắc quy hỏng trong vận hành”...

Thức trắng đêm để nghiên cứu

Anh Dương Văn Thắng (bên phải ảnh) cùng đồng nghiệp trao đổi về mạch điều khiển cho hệ thống hóa hơi Clo tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng - Ảnh: T.Huyền

Anh Dương Văn Thắng, công nhân Phân xưởng Điện tự động, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng luôn đau đáu trong lòng phải làm gì đó để anh em trong Phân xưởng bớt vất vả, nhọc nhằn. Những sáng kiến đã ra đời từ đó…

Chia sẻ về quãng thời gian nghiên cứu và hoàn thiện sáng kiến gần đây nhất của anh - sáng kiến "Thiết kế mạch điều khiển cho hệ thống hóa hơi Clo Hải Phòng 1 và Hải Phòng 2" đang được áp dụng tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, anh Thắng cho biết: "Nhiều đêm thức trắng trăn trở với những mạch điện tử tôi mới hoàn thiện được sáng kiến của mình".

Được biết, khi sáng kiến này chưa được áp dụng, các bộ điều khiển của hệ thống hóa hơi Clo tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đều dùng bo mạch điều khiển tích hợp của hãng Siemens. Nhược điểm của hệ thống này là vận hành trong điều kiện môi trường ăn mòn cao nên các bo mạch rất nhanh hỏng. Việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn do thị trường không cung cấp sẵn linh kiện thay thế.

Để khắc phục các nhược điểm trên, anh Thắng đã đề xuất phương án thiết kế mạch điều khiển mới cho hệ thống mà vẫn đáp ứng được yêu cầu vận hành. Mạch điều khiển mới được anh đề xuất bao gồm: Rơle trung gian, công tắc tơ, bộ điều khiển nhiệt độ với cơ chế mạch nhỏ gọn, nguyên liệu sử dụng chống ăn mòn cao nên hạn chế tối đa được việc ăn mòn. Trung bình thời gian làm việc của mạch điều khiển cũ là 3 tháng thì nay mạch điều khiển mới do anh Thắng thiết kế có tuổi thọ gấp đôi. Do đó, khi giải pháp này được thực hiện không chỉ nâng cao được tính an toàn, độ tin cậy của hệ thống hóa hơi Clo, mà còn giúp việc vận hành, sửa chữa thiết bị trở nên đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí cho Công ty hơn 500 triệu đồng/năm.

Trò chuyện với chúng tôi khi được vinh danh là công nhân lao động giỏi, tiêu biểu của EVN giai đoạn 2017-2019, anh Dương Văn Thắng tâm sự: Điều khiến tôi vui nhất là những tâm huyết của những người công nhân trực tiếp đã được lãnh đạo Công ty quan tâm lắng nghe và ủng hộ nhiệt tình. Chính sự khích lệ ấy đã giúp chúng tôi có động lực để tiếp tục sáng tạo, đóng góp xây dựng công ty - mái nhà thứ hai của mình.

Tận tụy với công việc

Anh Nguyễn Hoài Phương - Ảnh: T.Huyền.

Được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá là người thợ có kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ tốt, anh Nguyễn Hoài Phương - công nhân Điện lực Bình Phú, Công ty Điện lực Bình Phước khiêm tốn chia sẻ: “Những công nhân như chúng tôi cần phải rất cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó, dần dần tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện hơn công việc của mình”.

Trước những khó khăn thực tế phải mất nhiều nhân công cho công tác thu hồi dây cũ sau khi thực hiện đầu tư cải tạo lưới điện tại Công ty Điện lực Bình Phước, anh Nguyễn Hoài Phương đã nghiên cứu chế tạo thành công máy quấn dây sử dụng mô tơ thủy lực. Máy quấn dây dùng motor thuỷ lực hoạt động từ nguồn thuỷ lực sẵn có của xe cẩu. Bằng van điều khiển thuỷ lực, máy có thể quay 2 chiều trái - phải để thực hiện việc quấn dây theo yêu cầu của người sử dụng. Nhờ phương pháp thu hồi dây nhanh chóng, thuận tiện này, áp lực nhân công cho công việc thu hồi dây tại các điện lực thuộc PC Bình Phước nói riêng, EVNSPC nói chung đã giảm đáng kể.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Phương cho biết: “Để duy trì và phát huy những thành tích đã đạt được, tôi sẽ phấn đấu và không ngừng tự học hỏi để cống hiến cho công ty nhiều sáng kiến hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu công nhân lao động giỏi, tiêu biểu mà Tập đoàn đã trao tặng”.

Tin rằng, với sự yêu nghề, tận tâm với công việc, anh Phương, anh Quang, anh Thắng cũng như mỗi CNLĐ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cống hiến hơn nữa góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn.


  • 22/05/2019 10:30
  • Di Linh
  • 1847