Giúp đồng nghiệp bị sa thải vượt qua cú sốc tinh thần

Một ngày, đồng nghiệp thân thiết thông báo nghỉ việc do chính sách cắt giảm nhân sự của công ty. Không chỉ họ mà chính bạn cũng bất ngờ. Vậy làm sao để giúp họ vượt qua cú sốc?

Làn sóng sa thải hàng loạt đã quá phổ biến trong thời gian gần đây. Chỉ một tháng đổ lại, một số công ty hàng đầu như Meta hay Twitter thực thi một loạt chính sách cắt giảm nhân sự khắc nghiệt. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, như sa thải vì nhân viên không làm được việc, công ty thu hẹp quy mô, cắt giảm ngân sách hay tổ chức gặp khó khăn tài chính.

Trong một kỷ nguyên biến động không ngừng, một số nhân sự có lẽ đã quen việc nói chia tay đồng nghiệp. Mặc dù quen, nhưng cũng chưa bao giờ cảm thấy dễ dàng, đặc biệt với đồng nghiệp rời công ty vì… bị sa thải. 

Là người ở lại, hẳn bạn sẽ muốn nói chia tay hay chuẩn bị món quà tạm biệt nho nhỏ. Tất nhiên, với đồng nghiệp không thân hay chưa nói chuyện nhiều, một lời chào và chúc may mắn là đủ. Còn nếu trong tình huống cả hai đã có nhiều kỷ niệm đẹp, dưới đây là một số gợi ý để bạn phần nào giúp đồng nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đừng vội khuyên họ phải làm gì

Khi phải khuyên nhủ ai đó, chúng ta hay có xu hướng ngay lập tức chạy đi tìm vấn đề và giải pháp. Bạn vẽ ra một hướng đi hoàn toàn mới cho họ và khuyên họ phải làm gì, không quên lồng ghép lời khen có cánh: “Chị thấy em rất có năng lực, sao em không thử tập tành kinh doanh, mở doanh nghiệp riêng. Em có thế mạnh về giao tiếp và quản lý lắm đấy!”

Meredith Parfet, CEO của Ravenyard Group, là một chuyên gia nghiên cứu các lĩnh vực về sức khỏe tinh thần, cho rằng các gợi ý trên nghe thì hữu ích ở một mặt nào đó, nhưng chưa chắc là điều họ muốn nghe ở thời điểm mới mất việc. Với người nhạy cảm, họ cảm giác bị thúc ép phải thành công, phải làm điều đột phá ngay, trong khi điều họ thực sự cần là vài tuần nghỉ ngơi.

Khi mất việc, nhân sự mất nguồn thu nhập hằng tháng, lịch trình đều đặn của họ cũng bị gián đoạn. Mọi người cần thời gian thích nghi với sự đổi mới. Tự kinh doanh riêng hay làm một thứ gì đó nằm ngoài những gì họ đã biết cần nhiều thời gian, không phải chuyện một sớm một chiều. Lời khuyên là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc thời điểm và nhu cầu của đối phương. 

Đừng coi nhẹ vấn đề 

Rất nhiều thời điểm, ta muốn an ủi đồng nghiệp bằng cấu trúc câu quen thuộc “ít nhất thì”, “cũng may là” để giảm nhẹ tình huống căng thẳng, ví dụ “Ít nhất thì công ty cũng có một khoản trợ cấp nhỏ”, “Cũng may là được làm đến hết tháng này, có thêm thời gian để tìm việc mới”, “Dù sao công ty cũng đang đi xuống quá, xin chỗ khác không khéo được lương cao hơn”. 

Nói cách khác, ta gắng nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề để khỏa lấp cơn đau. Nếu không khéo, sự tích cực này sẽ biến thành sự tích cực độc hại, dẫn đến cảm giác chối từ cảm xúc, trải nghiệm của đối phương. Ngoài mặt, họ có thể cười đùa theo bạn, nhưng bên trong đang chất đầy sự thất vọng, chán nản. Hãy tạo ra không gian để họ được phép chấp nhận cảm xúc thật. Họ được quyền cảm thấy bất mãn thay vì phải cảm thấy “may mắn”.

Tập trung vào bản thân họ

Như đã nói, trong mắt nhiều người, công việc định nghĩa danh tính, vị trí xã hội của họ. Sự thành công trong cuộc đời gắn liền với thành tựu trong công việc. Vì vậy, bạn có thể gửi một tin nhắn nhỏ cho họ, liệt kê ưu điểm, sự đóng góp của họ trong công việc, và bạn đánh giá cao họ như thế nào. Điều này giúp họ thêm tự tin và nhận thức tốt hơn về năng lực cá nhân. 

Ngoài ra, hãy thử luyện kỹ năng lắng nghe thấu cảm (empathic listening), một kỹ năng tập trung vào sự thấu hiểu cảm xúc để mang đến sự động viên, thay vì đưa ra lời khuyên, ý kiến cá nhân. Đến bên họ, lắng nghe câu chuyện đằng sau và cảm xúc họ đang chật vật trải qua, nhưng hạn chế quy câu chuyện về trải nghiệm cá nhân hay trải nghiệm của người khác. 

Ví dụ: “Ngày trước mình cũng bị đuổi việc…”, “Còn có người khổ hơn mình, bị đuổi việc lúc đang phải nuôi 2 đứa con…”. Hay thậm chí so sánh với nhân vật nổi tiếng, “Cậu có biết hồi xưa Walt Disney cũng từng bị cho thôi việc không?”. So sánh đôi khi tạo ra liên tưởng xa vời, bởi mỗi người một hoàn cảnh và có cách nhìn nhận biến cố khác nhau. Trong nhiều trường hợp, đừng so sánh, hãy tập trung vào cảm xúc cá nhân của họ trước.

Giúp đỡ một cách thực tế

Trong những năm trở lại đây, chúng ta dần nhận ra câu “đừng lo lắng, vui lên đi” có rất ít giá trị động viên. Vậy làm sao để lời mình nói không mang tính “động viên xổi”, đáp án là trực tiếp ngỏ lời giúp đỡ, càng cụ thể càng tốt. 

Thử thay thế câu “Lo gì, rồi em sẽ tìm được việc thôi”, bằng một câu nói nhẹ nhàng, đơn giản hơn “Nếu cần chị giúp gì thì nhắn nhé!”. Hoặc cụ thể hơn, bạn cho họ lời khuyên về kinh nghiệm phỏng vấn, kinh nghiệm viết CV, chỉ dẫn các phương pháp tìm việc, giới thiệu các công việc khác nếu họ cần. Tuy nhiên, như đã đề cập, đừng vội đưa ra lời khuyên lúc họ mới nhận tin bị cho thôi việc, bạn nên đợi một thời gian khi cảm xúc của họ lắng xuống, ổn định hơn.

Tổ chức một buổi chia tay nhỏ 

Đôi khi, một món quà chia tay nhỏ hay lời động viên ngắn cũng có ý nghĩa rất nhiều. Hãy thử nói chuyện với đồng nghiệp khác, hỏi xem mọi người có muốn viết vài lời vào bức thư chia tay không. Sau khi hoàn thiện, bức thư được gửi kèm với một món quà đúng sở thích.

Bạn cũng nên nghĩ đến một bữa tiệc chia tay nhỏ ở chỗ làm, nhưng cần cân nhắc đến tính cách họ, bởi biết đâu họ hướng nội, ngại đám đông, hoặc không hòa hợp với một số nhân viên khác thuộc bộ phận. Về buổi gặp mặt, tốt hơn bạn cần hỏi ý kiến trước, để biết họ có muốn mời ai không, số lượng người là bao nhiêu. Nếu không thì một buổi gặp mặt nho nhỏ giữa hai người là đủ. 

Giữ liên lạc sau "chia tay"

Khi còn làm việc cùng và gặp nhau 8 tiếng 1 ngày, 5 ngày trong tuần, thật dễ để duy trì tình đồng nghiệp, tình bạn. Thực tế là sau khi không còn làm chung trong một không gian, trừ khi mối quan hệ của hai người đã rất gắn bó trước đó, nếu không thì cả hai sẽ ngày càng cách xa nhau, bởi bạn và đối phương sẽ bị cuốn theo các mối bận tâm mới. 

Do đó, nếu được, hãy duy trì liên lạc bằng cách kết nối với nhau qua các nền tảng mạng xã hội khác, hẹn đi cà phê định kỳ, rủ họ tham gia vào các hoạt động vui chơi, ăn uống khác nhau. Duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp cũ có thể có lợi cho cả hai. Biết đâu sau này chính họ lại là người giúp đỡ cho con đường sự nghiệp của bạn. 

Sa thải là điều không một nhân viên nào muốn trải qua. Đặc biệt là ở những bạn trẻ mới bước vào thị trường lao động, chưa có nhiều trải nghiệm, bị sa thải không khác gì lời khẳng định bản thân kém cỏi. Sang chấn có thể là động lực để họ bứt phá trên chặng đường mới, nhưng cũng có khả năng ám ảnh họ trong một thời gian dài. Học cách hỗ trợ đồng nghiệp cũng là học cách dừng lại, lắng nghe cẩn trọng hơn và rút ra bài học cho chính mình.

Link gốc


  • 01/01/2023 02:09
  • Nguồn: phunuvietnam.vn
  • 3150