Chung tay xây dựng Cố đô xứng tầm di sản văn hóa thế giới

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có ngành Điện, hệ thống điện tại Cố đô Huế từng bước được cải thiện, nâng cấp.

Từ năm 1999, bằng các nguồn vốn ODA và vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế, ngành Điện đã thực hiện chương trình nâng cấp cải tạo lưới điện thành phố Huế, đáp ứng yêu cầu phát triển của một địa phương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Lưới điện trung áp đã được chuyển sang vận hành ở cấp điện áp 22 kV, các khu vực trung tâm Thành phố, thành nội Huế đã cơ bản được ngầm hóa. Các TBA 22/0,4 kV được xây theo dạng Kios hoặc treo trụ. Lưới điện hạ áp đi nổi trên các trụ điện theo các tiêu chuẩn dây vặn xoắn bọc PVC cách điện. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã lắp đặt công tơ điện tử, với công nghệ đo đọc xa cho hệ thống điện kế sinh hoạt (1 pha) và cho các hộ kinh doanh (3 pha) khu vực thành phố Huế

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể về quy hoạch phát triển điện lực ở Cố đô Huế vẫn còn những bất cập, cần sớm khắc phục. Cụ thể, hạ tầng các dịch vụ viễn thông có dây đang phát triển thiếu quy hoạch khiến một số tuyến đường dây trung áp trên không bị vi phạm hành lang an toàn lưới điện, không đảm bảo khoảng cách tĩnh trên không của đường dây.

Do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, một số tuyến đường dây đang vận hành trong tình trạng đầy tải, có khả năng dẫn đến quá tải. Hệ thống điện trung áp thiếu các mạch vòng để thực hiện các phương thức cấp điện dự phòng nên độ tin cậy chưa cao. Các trạm biến áp 22 kV thiết kế theo mô hình cũ (máy biến áp đặt trên 2 trụ bê tông ly tâm), chiếm diện tích lớn, làm mất mỹ quan, khó nâng cấp mở rộng. Một số TBA đang vận hành đầy tải, quá tải ở các khu trung tâm, gây tổn thất điện năng cao…

Hệ thống điện trên địa bàn TP Huế sẽ được ngầm hóa trong giai đoạn 2016-2020. Ảnh sưu tầm

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho UBND tỉnh lập Đề án đầu tư ngầm hóa hệ thống lưới điện trung, hạ áp trên địa bàn thành phố Huế. Theo đó, các tuyến cáp trung áp cấp điện cho các TBA được đặt trong ống nhựa xoắn có tiết diện phù hợp, chôn sâu dưới vỉa hè, độ sâu ống tính từ đỉnh ống đến mặt đường tối thiểu 1m. Bố trí chống sét van bảo vệ cáp trung áp, mốc cáp ngầm tại các vị trí cảnh báo và tiếp địa tại các vị trí lắp đặt chống sét van thực hiện theo đúng Quy phạm kĩ thuật an toàn của ngành Điện...

Để đảm bảo bán kính và khả năng cấp điện cho các phụ tải, trong Đề án, các TBA sẽ được di dời đến vị trí thích hợp và được xây dựng dưới dạng Kios hợp bộ hoặc trên bệ đỡ. Các điểm nút trên lưới điện được thiết lập cùng với các trạm phân phối bố trí theo kiểu tủ RMU (Ring Main Uint) có khả năng đóng cắt với dòng tải lớn, tích hợp các rơ le bảo vệ với các tính năng thông minh và giám sát, điều khiển xa từ trung tâm điều độ hoặc có khả năng tự kết nối khi thực hiện các ứng dụng tự động hóa vận hành trên lưới điện.

Việc ngầm hóa đường cáp điện kế và di dời điện kế về các hộ tiêu thụ cũng được tính toán cụ thể trong Đề án. Theo đó, việc xây dựng mới cáp điện kế được đặt trong ống bảo vệ trong mương cáp, ở độ sâu 0,4 mét tính từ đỉnh ống đến vỉa hè. Sử dụng cáp điện kế và áp tô mát bảo vệ có tiết diện và dòng bảo vệ phù hợp công suất tiêu thụ của các phụ tải. Các công tơ đo đếm điện cấp cho hệ thống thông tin tín hiệu wifi, đèn giao thông... được đặt trong các tủ điện hạ áp gần nhất.

Hệ thống thông tin phục vụ vận hành lưới điện được kết hợp chung với hạ tầng ngầm hóa của lưới điện trung hạ áp. Mô hình mạng thông tin được thiết lập theo dạng mắt lưới (Mesh), một điểm nút sẽ quản lý các thiết bị trên một khu vực địa lý và được kết nối về Trung tâm tại PC Thừa Thiên Huế. Dự án này có tổng mức đầu tư trên 730 tỷ đồng và sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.


  • 15/06/2016 03:19
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1373