Cạnh tranh lành mạnh trong tổ chức, công sở: Động lực thúc đẩy sự phát triển

Cạnh tranh là một quy luật tất yếu của tự nhiên và xã hội. Cạnh tranh lành mạnh là một hình thức cạnh tranh công bằng, chính trực, không chỉ đòi hỏi phải tuân thủ pháp luật mà còn cần phù hợp với các tiêu chuẩn, quy phạm đạo đức xã hội.

Vì sao cần thực hiện cạnh tranh công bằng?

Khi nói đến cạnh tranh nội bộ, chúng ta nghĩ ngay đến một phương pháp được sử dụng trong công tác cán bộ, đánh giá, lựa chọn người có đủ tài, đức, bổ nhiệm vào vị trí nhất định của tổ chức, cơ quan... Hiện nay, phần lớn trong công sở, tổ chức, thường sử dụng phương pháp đánh giá và bổ nhiệm cán bộ thông qua bầu cử có yếu tố cạnh tranh để chọn cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý xứng tầm. 

Các nguyên tắc để cạnh tranh lành mạnh

Để đảm bảo lựa chọn được những người có đủ tài, đức, trong mỗi tổ chức, công sở cũng cần có sự cạnh tranh sòng phẳng trên cơ sở phải đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chí cạnh tranh công bằng, lành mạnh:
Một là, cạnh tranh công bằng là một phương pháp, điều kiện để xem xét, đánh giá, tuyển chọn nhân sự, xếp hạng các ứng viên một cách khách quan, khoa học, công tâm, công bằng và hiệu quả nhất. Đây là điều kiện để chọn lựa nhân tài, chọn người xuất sắc nhất, làm cơ sở để tuyên dương, khen thưởng, bổ nhiệm cán bộ… Với ý nghĩa đó, thi đua chỉ là một khía cạnh của cạnh tranh nội bộ và không có vai trò, tác dụng bằng cạnh tranh lành mạnh. Sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng viên tham gia là điều kiện quan trọng nhất và tương đồng với cạnh tranh lành mạnh. Khái niệm cạnh tranh lành mạnh còn có hàm ý tuân theo các quy luật tự nhiên và cần trở thành một thói quen, thành một đặc điểm của văn hóa tổ chức, VHDN. 

Hai là, cạnh tranh công bằng là một môi trường và điều kiện làm việc tạo ra động lực cho những người tham gia, giúp họ tập trung cao độ vào công việc, từ đó vừa giữ chân được người tài vừa tăng cường hợp tác, không ngừng nâng cao năng lực của mình và của đội nhóm... mang lại lợi ích cho cả cá nhân và tổ chức. Thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ làm giảm tiêu cực, tránh được các thủ đoạn trong công tác tổ chức - cán bộ.

Ba là, cạnh tranh công bằng là một xu thế tất yếu, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.  Chúng ta không thể sử dụng mãi các ưu đãi nội bộ, các rào cản phi chính thức để hạn chế cạnh tranh, để “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, mà phải hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, sự quản trị minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Nói cách khác, cạnh tranh công bằng trong nội bộ sẽ tạo ra thái độ đúng, năng lực cạnh tranh với bên ngoài và với các nước trên thế giới, buộc các DN phải chú trọng xây dựng VHDN, tạo nền tảng và các chuẩn mực cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Làm sao để thực hiện cạnh tranh công bằng, lành mạnh?

Nói một cách đơn giản, sự cạnh tranh công bằng trong tổ chức, công sở ở nước ta đòi hỏi phải có 5 điều kiện sau: (1) có một luật chơi (luật lệ, tiêu chuẩn, thước đo) công bằng, (2) có sân chơi công bằng, bình đằng (3) có trọng tài công tâm, chính trực (4) các cầu thủ, đối thủ, ứng viên có mức độ khá ngang bằng về tiêu chuẩn và đẳng cấp... (5) có trách nhiệm cao và sự gương mẫu của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản trị nguồn nhân lực; thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Để cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ DN, tổ chức cần thực hiện tốt những công việc sau đây:

1. Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cần đặc biệt chú ý thực hiện tốt các chính sách mới về công tác tổ chức- cán bộ và quản trị nguồn nhân lực do Đảng và Nhà nước đã ban hành gần đây, phù hợp với điều kiện, phạm vi của mình như thi tuyển cạnh tranh để chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ theo nguyên tắc “hồi tỵ”/(tránh đi), chống tham nhũng và lợi ích nhóm, tránh tình trạng “cả nhà làm quan” cả họ "kết bè kết mảng" trong cùng một công sở, DN, cơ quan…

2. Xây dựng và quản trị Văn hóa tổ chức theo các giá trị, chuẩn mực công bằng, bình đẳng, đoàn kết, chia sẻ…tạo động lực cho nhân viên và kiến tạo môi trường, triết lý và điều kiện phát triển bền vững của DN. Muốn các giá trị, chuẩn mực trên sẽ trở thành các thói quen, đức tính và bản sắc của DN, đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thực thi, quản trị và truyền thông mạnh mẽ. Ví dụ, trong công tác bán hàng và chăm sóc khách hàng, cần có sự phân chia hợp lý theo địa bàn và đánh giá kết quả công việc một cách khách quan, công bằng. Tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, tranh khách hàng của nhau hoặc thiếu sự giám sát và hỗ trợ lẫn nhau. 

3. Cần thực hiện nghiêm túc đồng thời cả hai hình thức “xây” và “chống” trong việc xây dựng VHDN và quản trị DN lành mạnh, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và sự phát triển xuất sắc của các cá nhân và tổ chức. Cán bộ lãnh đạo cần thực sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện xây và chống của Văn hóa tổ chức. Mặt “xây” chúng ta cần chủ động tạo ra cả 4 điều kiện thực hiện cạnh tranh công bằng, lành mạnh, chú trọng xây dựng đội ngũ thực thi nhiệm vụ một cách xuất sắc, đồng thời khen thưởng thành tích kịp thời, tôn vinh các ngôi sao có tinh thần đồng đội, hoạt động hiệu quả. Mặt “chống” là cần phòng ngừa, cấm, khắc phục, sửa chữa được mặt trái của cơ chế cạnh tranh nói chung, cạnh tranh trong nội bộ tổ chức nói riêng, loại bỏ các ưu tiên, ưu đãi thái quá, không thực sự công bằng xã hội (ví dụ, chính sách ưu tiên trong tuyển chọn vào đại học, trong tuyển dụng của một số DNNN...). Phải có các công cụ phát hiện, xử phạt kịp thời,  nghiêm minh và loại trừ được thái độ thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, làm trái, làm giả, đối phó với các giá trị, chuẩn mực công bằng, bình đẳng, lành mạnh trong thi đua, cạnh tranh. 
 


  • 10/09/2020 02:47
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1123