6 lễ hội truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2017 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XVII, trong đó có 6 Lễ hội truyền thống.

Lễ hội đền Trần Thương (Hà Nam), một trong 6 lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể - Nguồn ảnh: lehoivietnam.gov.vn

6 Lễ hội truyền thống vừa được công nhận gồm: Lễ hội đền Trần Thương (Hà Nam), Hội vật Liễu Đôi (Hà Nam), Lễ hội Bổ Đà (Bắc Giang), Lễ hội Chùa Keo (Thái Bình), Lễ hội Đền Đuổm (Thái Nguyên) và Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La (Tuyên Quang). 

Như vậy, cả nước hiện có hơn 30 lễ hội truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong kho tàng 7.000 lễ hội của Việt Nam. Trong đó, nhiều lễ hội đã ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì.

Ngoài ra, trong đợt này, có 5 di sản văn hóa phi vật thể khác (thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng và tri thức dân gian) cũng được công nhận, gồm: Hạn Khuống của người Thái (Yên Bái), tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), lễ Tịch điền (Hà Nam), tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer (An Giang) và hát sắc bùa Phú Lễ (Bến Tre).

Qua 17 đợt công nhận, cả nước có 202 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể gồm 7 loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian.


  • 09/02/2017 09:52
  • Thanh Huyền
  • 2586