Việt Nam có thể tiến tới 100% điện tái tạo vào năm 2050

Đó là nhận định của ông Jean Philippe Denruyter – Chuyên gia Năng lượng, Chương trình tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) được nêu tại buổi công bố báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành Điện Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2050” do WWF và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức, ngày 12/5 tại Hà Nội.

Theo ông Jean Philippe Denruyter, báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” phân tích tổng quát về tình hình của ngành điện quốc gia trong bối cảnh tổng thể của ngành năng lượng đồng thời đưa ra các kịch bản phát triển mà Việt Nam có thể lựa chọn cho chiến lược phát triển tới năm 2050.

Năm 2050 Việt Nam có thể tiến tới 100% điện tái tạo - Ảnh: Thành Trung.

Bản báo cáo đưa ra 3 kịch bản phát triển năng lượng của Việt Nam.

Trừ kịch bản phát triển thông thường dựa vào nhiên liệu hóa thạch và công nghệ lạc hậu, hai kịch bản Phát triển năng lượng bền vững và Phát triển năng lượng bền vững tối ưu cho thấy, tới năm 2050, cả trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, năng lượng tái tạo đều có thể đáp ứng 80% - 100% nhu cầu điện quốc gia, đồng thời giúp giảm tới 80% lượng khí thải carbon. Trong đó, năng lượng mặt trời có thể đáp ứng ít nhất 35%; năng lượng gió có thể đáp ứng 13%, bên cạnh còn có các dạng năng lượng khác như thủy triều, sinh khối, địa nhiệt...

Tại buổi công bố bố báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành Điện Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2050”, bà Ngụy Thụy Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cũng cho biết, các kịch bản phát triển của báo cáo đưa rất trùng khớp với nghiên cứu gần đây của chúng tôi về những giải pháp năng lượng thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu than trong những năm tới.


  • 12/05/2016 03:37
  • Ngọc Tuấn
  • 1674