Những công trình nhà ở giá rẻ sẽ có các giải pháp xanh

Ngày 27/4 tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA); Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng: “Nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình tại Việt Nam".

Những giải pháp xanh như: Pin năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng đèn LED... đều có tại Khu đô thị nhà ở giá thấp và trung bình Ecohome 1 - Ảnh: Ng.Tuấn.

Chính sách nhà ở của Việt Nam đang đối diện với áp lực tăng trưởng dân số lớn, đặc biệt tốc độ phát triển dân số đô thị cao và quy mô hộ gia đình ngày càng có xu hướng giảm số người trên một hộ dân. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình.

Kiến trúc xanh (green architecture) ngày càng phổ biến trên thế giới và là xu thế tất yếu mà loài người phải hướng đến nhằm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Kiến trúc xanh thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Theo phân tích của ông Trần Như Trung, Phó Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) đơn vị đi đầu với những giải pháp xanh trong phân khúc nhà ở thấp và trung bình: “Với những giải pháp công trình xanh mà Capital House áp dụng tại dự án EcoHome, thực tế đã làm tăng chi phí đầu tư 3%".

Phó Tổng GĐ Capital House cho biết, với Dự án EcoHome 1, hệ thống pin mặt trời đã làm tăng 3,7 tỷ đồng đầu tư, tăng chi phí so với thông thường 3,98 triệu đồng/ hộ; dự án EcoHome 2 phụ trội 8,37 triệu đồng/hộ khi đầu tư pin năng lượng mặt trời trong tổng mức tăng 8,2 tỷ đồng. Người dân không phải trả thêm tiền vì việc tăng chi phí, nhưng họ được hưởng lợi giảm tiền điện chiếu sáng khu vực công cộng trong quá trình vận hành tòa nhà.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, bà Vũ Thị Kim Thoa - Trưởng đoàn Tư vấn của Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam đánh giá: “Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, làm gia tăng giá trị tài sản, hoàn vốn đầu tư nhanh chóng, thu hút được khách hàng và đẩy nhanh khả năng tiêu thụ…”

Để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển…

Về dài hạn, cần thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: "Công trình xanh phải là công trình đạt hiệu quả cao nhất sử dụng năng lượng, cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Bên cạnh đó công trình xanh còn phải mang đến cho người dân một cuộc sống thoải mái nhất, môi trường sống tốt nhất…".


  • 27/04/2016 02:46
  • Ngọc Tuấn
  • 2411