Tìm phương án phát triển năng lượng tái tạo cho TP.HCM

Đó là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra tại Tọa đàm "Năng lượng thông minh: Hướng đi nào cho TP.HCM" do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS) tổ chức ngày 20/4 tại TP.HCM.

Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo là cần thiết trong tương lai - Ảnh: Mai Nhiệm.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia và hơn 100 đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và quy hoạch cùng các nhà hoạt động về môi trường.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Năng lượng là xương sống của nền kinh tế và nước nào cũng cần năng lượng để phát triển, đối với Việt Nam, nguồn năng lượng chưa thiếu nhưng nếu cứ khai thác năng lượng tự nhiên như than đá, dầu mỏ..., đến lúc nào đó sẽ thiếu, cho nên năng lượng tái tạo cũng là mục tiêu quan trọng.

Ông Phạm Trần Hải – Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng: Để đạt được các mục tiêu trong sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề này cần được lồng ghép một cách phù hợp vào các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch khác nhau của TP.HCM để huy động được sự tham gia đóng góp của các ngành – lĩnh vực, các thành phần xã hội.

Là đơn vị triển khai và đưa vào vận hành mô hình không gian trải nghiệm năng lượng sạch, vận hành 100% từ năng lượng mặt trời, mô hình đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, bà Nguyễn Thùy Ngân – Giám đốc thương hiệu SolarBK nhấn mạnh: Một trong những yếu tố then chốt để TP.HCM phát triển năng lượng thông minh, chính là nguồn lực con người.

Nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích về các mô hình xây dựng thành phố thông minh phù hợp với tình hình phát triển của TP.HCM từ khía cạnh phát triển năng lượng, xây dựng cộng đồng sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó năng lượng thông minh (Smart Energy) bao gồm: Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả....

Đây là giải pháp công nghệ quan trọng giúp TP.HCM giải quyết các thách thức về môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng. Đồng thời, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo cũng là yếu tố cần thiết để Việt Nam có thể hoàn thành cam kết tại Hội nghị COP22: Hướng đến mục tiêu 100% năng lượng tái tạo tới năm 2050.

Dịp này, CHANGE cũng giới thiệu dự án PUT SOLAR ON IT - Nóc nhà mặt trời, với mục tiêu khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Đây là một trong những họat động nhằm đẩy mạnh phong trào sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.


  • 21/04/2018 04:21
  • Mai Nhiệm
  • 1620