Tìm giải pháp giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long

Hội thảo về giải pháp giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại TP. Cần Thơ hôm 10/1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, hiện nay và trong những thập kỷ tới ĐBSCL sẽ phải đối phó với thách thức toàn cầu về BĐKH và thách thức khu vực về việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông trên thượng nguồn. Những thách thức này không tác động riêng lẻ mà kết hợp liên hoàn gây ra những tác hại nghiêm trọng cả về kinh tế và môi trường đối với ĐBSCL.

Năm 2015 – 2016, toàn bộ lưu vực sông Mê Kông phải đối mặt với một mùa khô khắc nghiệt và vùng ĐBSVL đã phải hứng chịu các tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử và có sự diễn biến hết sức phức tạp.

“Nhiều nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô, phân bố không đều theo cả không gian và thời gian, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường nước và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã và đang đặt ra những thách thức lớn, áp lực nặng nề cho phát triển kinh tế xã hội bền vững của vùng ĐBSCL. Nhằm giảm áp lực, hạn chế thách thức nêu trên, việc nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng định hướng, đề xuất các giải pháp giữ nước phù hợp và hiệu quả cho vùng, bao gồm cả các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình là một trong những yêu cầu cấp bách của Chính phủ và các tỉnh ĐBSCL trong thời gian hiện nay” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan nhận định, có một mối liên hệ giữa những thay đổi về cảnh quan và tính dễ bị tổn thương của của vùng đồng bằng vì không chỉ bị tác động bởi biến đồi khí hậu, mà còn do những thay đổi của thời tiết, hay sự phát triển trên thượng nguồn.

“Một vấn đề quan trọng là thay đổi về khả năng giữ nước và biến động lũ lụt ở các tỉnh thượng lưu ĐBSCL. Những thay đổi này chủ yếu là kết quả của việc chuyển sang sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm. Vì nhiều lý do, Bản Kế hoạch ĐBSCL ủng hộ đề xuất trở về với hệ thống canh tác phù hợp với điều kiện thủy văn tự nhiên. Thay đổi này liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân, nhà cửa và đồng ruộng của họ. Không dễ để thay đổi như vậy và rất có khả năng sẽ có nhiều ý kiến phản đối”. Bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan nói.

Thông tin cập nhật kịch bản BĐKH của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, trong thế kỷ 21 tình hình hạn hán, nước biến dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng gay gắt, khắc nghiệt hơn tại vùng ĐBSCL.

PGS. Gerado van Halsema cho rằng, ảnh hưởng từ thời tiết do biến đổi khí hậu hạn hán, việc khai thác nước của các quốc gia thượng lưu sông Mê Kông khiến ĐBSCL bị xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng, trong khi đó việc xây dựng hệ thống đê bao để cải tạo đất trồng lúa 3 vụ tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thời gian qua đã làm giảm khả năng tích trữ mất khoảng trên 16 tỉ mét khối nước trong mùa lũ để cung ứng cho toàn vùng – đặc biệt là hạ nguồn ĐBSCL trong mùa kiệt.

Theo PGS. Gerado van Halsema, cần phải tính toán tổng nhu cầu nước ngọt cung ứng cho toàn vùng ĐBSCL, xác định ranh giới nước lợ - nước ngọt để đưa ra các giải pháp chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp, thay thế cho lúa vụ 3 đồng thời giữ nước trong mùa lũ để cung ứng cho toàn vùng trong mùa kiệt. Điều kiện của ĐBSCL hoàn toàn có thể lựa chọn mô hình canh tác khác có hiệu quả cao hơn, phù hợp hơn và đáp ứng được yêu cầu giữ nước ngọt cho khu vực hạ nguồn, ven biển. Việc xây dựng hệ thống đê bao chi phí rất tốn kém nhưng hiệu quả thì rất thấp.

Trong khi đó, TS. Lương Quang Xô, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua có ảnh hưởng đến việc thoát lũ thượng nguồn ĐBSCL.

Tuy nhiên, quy hoạch kiểm soát lũ, quy trình vận hành hệ thống tưới tiêu vùng ĐBSCL đã phù hợp với kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phù hợp với các phương án nghiên cứu tư vấn khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế và có sự tính đến khả năng điều tiết nguồn nước trên bình diện toàn vùng và phân thành 4 tiểu vùng canh tác phù hợp, đảm bảo linh hoạt khi có lũ lớn thì xả, lũ nhỏ thì đóng để giữ nước cho mùa kiệt. Không thể phá bỏ hệ thống đê bao đã và đang được triển khai sắp hoàn thiện theo quy hoạch. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường hợp tác quốc tế để đạt được mục tiêu khai thác tốt biển hồ Tonlesap tại Campuchia để điều tiết lũ cho ĐBSCL.

GS.TS Võ Tòng Xuân, cho rằng các vấn đề ngoài lãnh thổ quốc gia, mang tính quốc tế rất khó tác động. Vấn đề đặt ra cần làm là phải xem xét, điều chỉnh lại hệ thống các công trình và mô hình canh tác phù hợp trong nội vùng phù hợp.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cũng cho rằng, việc sử dụng nước các các quốc gia đầu nguồn có ảnh hưởng lớn đến lưu lượng nước về ĐBSCL, việc xây dựng hệ thống đê bao cần phải xem xét lại để đáp ứng yêu cầu giữ nước cho Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười và việc lấy nguồn nước sông Hậu “bơm” cho bán đảo Cà Mau có khả năng gây xâm nhập mặn vào lưu vực sông Hậu.


  • 12/01/2017 10:49
  • Theo monre.gov.vn
  • 2041