Tiết kiệm năng lượng đang đặc biệt cấp thiết

Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo chia sẻ kiến thức về tăng cường hiệu quả năng lượng ở Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Tham dự hội nghị có ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương; đại diện điều phối Ban Năng lượng - WB; Tiến sỹ Ashok Sarkar và Tiến sỹ Xiaodong Wang - Chuyên gia Năng lượng cao cấp của WB.

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương triển khai, đã có hơn 85% người dân Việt Nam hiểu, biết về vấn đề tiết kiệm năng lượng (TKNL); hơn 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được cấp phép dán nhãn năng lượng; nhiều doanh nghiệp/nhà máy đã triển khai các kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả. 

Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả nhưng hoạt động TKNL ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước còn thấp, trong khi đối tượng tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất rộng và đa dạng; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được những khoản vay ưu ưu đãi cho các dự án TKNL; vẫn còn thiếu cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư, thay thế các dây chuyền công nghệ lạc hậu…

“Trong thời gian tới, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than cho phát điện và dự kiến nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2030. Do vậy, tiết kiệm năng lượng đã và đang là vấn đề đặc biệt cấp thiết”, đại diện Tổng cục Năng lượng nhấn mạnh.

Tổng cục Năng lượng cũng kiến nghị, Nhà nước cần tăng nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để triển khai các dự án TKNL; các tỉnh, thành phố cần phối hợp thực hiện đồng bộ các chương trình TKNL; tăng cường giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; thúc đẩy thị trường dịch vụ TKNL theo mô hình ESCO (công ty dịch vụ năng lượng). 

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ WB cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về các mô hình TKNL năng lượng trên thế giới như sáng kiến “Thực hiện đạt được và thương mại” (PAT) - Một công cụ điều tiết để giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng gắn với cơ chế thị trường; mô hình Super ESCO đang được áp dụng rất hiệu quả tại Ấn Độ. Hay tại Trung Quốc, Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu TKNL đến từng địa phương và gắn trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh/thành phố. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đã có các chính sách pháp lý, hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án TKNL...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận về các giải pháp, mô hình nhằm thực hiện hiệu quả việc TKNL đối với Việt Nam. 


  • 08/05/2017 09:15
  • Thu Hường
  • 1442