Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp: Chưa 'đánh thức' hết tiềm năng

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành công nghiệp còn rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa "đánh thức" được hết tiềm năng này.

Còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả kiểm toán năng lượng đối với 10 doanh nghiệp được lựa chọn trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp còn rất lớn.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp còn rất lớn - Ảnh: Ng.Tuấn.

Kết quả kiểm toán năng lượng tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại của Cơ quan năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chỉ ra, nếu đơn vị thực hiện lắp đặt biến tần cho động cơ bơm tuần hoàn dây chuyền 1 để điều chỉnh số vòng quay bơm theo tổng áp lực đầu đẩy bơm, thì công suất điện bơm trung bình sẽ giảm, từ đó tiết kiệm được chi phí điện năng. Hay việc thực hiện thay bộ sấy không khí mới và điều chỉnh hệ số không khí thừa sau bộ hâm nước hợp lý sẽ giúp giảm tiêu thụ điện năng của quạt gió và quạt khói.

Đơn vị kiểm toán năng lượng đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại gồm: Thay thế mới bộ sấy không khí cho lò hơi, lắp đặt biến tần cho động cơ bơm nước và sử dụng bơm nhiệt. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho một trong 4 tổ máy của dây chuyền 1 và một trong 2 tổ máy của dây chuyền 2, sẽ giúp công ty tiết kiệm gần 1,91 triệu USD/năm. Dự đoán lợi ích này sẽ lớn hơn nếu công ty áp dụng cho tất cả 4 tổ máy của dây chuyền 1 cũng như 2 tổ máy của dây chuyền 2.

Tại Tổng công ty Việt Thắng (thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam) - một trong những công ty sản xuất và kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực dệt và sợi, Cơ quan năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã có những đề xuất thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng gồm: Thay thế cơ cấu truyền động dây cơ roa bằng truyền động đồng trục ở các quạt gom bụi, bảo ôn cách nhiệt cho van hơi, đường ống hơi, đường ống nước cấp và nước ngưng, lắp đặt lại bộ trao đổi nhiệt gió cấp của lò hơi… Với việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng dựa trên những đề xuất này sẽ giúp công ty tiết kiệm được trên 16 tỷ đồng mỗi năm.

Giải pháp nào?

Tại hội thảo về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”, do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Kim Jinoh, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) đã công bố kết quả kiểm toán năng lượng của 10 doanh nghiệp được lựa chọn, đồng thời, đưa ra 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Để đưa được các giải pháp tiết kiệm năng lượng này vào thực hiện tại các đơn vị, việc trước tiên người đứng đầu đơn vị cần phải nhận thức rõ đầu tư hiệu quả năng lượng là cơ hội để doanh nghiệp phát hiện tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại đơn vị mình.

Kiểm toán năng lượng giúp các doanh nghiệp đưa ra được những giải pháp tiết kiệm năng lượng tại đơn vị - Ảnh: Ng.Tuấn.

Còn theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) thì việc kiểm toán năng lượng giúp cho các doanh nghiệp nhìn nhận được việc sử dụng năng lượng hiện tại của đơn vị và từ đó cùng với đơn vị kiểm toán đưa ra những giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp.

Với những doanh nghiệp lớn, thời gian và nhân lực thực hiện kiểm toán năng lượng luôn đòi hỏi nhiều hơn để nghiên cứu về quy trình, cũng như thiết bị sản xuất chính. Do vậy, các doanh nghiệp cần ưu tiên quỹ thời gian và nhân lực để thực hiện kiểm toán năng lượng. “Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp sử dụng trên 200.000 TOE/năm cần 4 tháng để thực hiện việc này”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm.

Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, đại diện Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho biết, với giải pháp lắp đặt bơm nhiệt cho dây chuyền 2 với chi phí đầu tư ban đầu là 30 tỷ đồng, nhưng mỗi năm giải pháp này đã giúp đơn vị tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng, vậy chỉ chưa đầy 3 năm công ty đã có thể thu hồi lại vốn.

Điều đặc biệt ở đây là giải pháp này công ty không phải tốn chi phí để đầu tư mà đã chọn đầu tư theo mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), qua đó ESCO bỏ tiền để đầu tư công nghệ cũng như đưa ra các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả nhất. Vì nếu đạt được giải pháp tốt hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao thì ESCO càng nhanh thu hồi vốn và sinh lời từ những khoản đầu tư này.

Nhìn từ tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng hạn chế về tài chính có thể tìm đến các ESCO. Vì ESCO là doanh nghiệp thương mại cung cấp một loạt các giải pháp năng lượng toàn diện như: Thiết kế, thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng… cho các doanh nghiệp có nhu cầu, và khi đó các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng thường được sử dụng để trả lại vốn đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó việc liên kết thành lập các nhóm quản lý năng lượng giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực như: xi măng, may mặc… sẽ giúp các doanh nghiệp trao đổi được kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện tiết kiệm năng lượng, cũng như tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm được thời gian thử nghiệm và hạn chế được sai sót.