Tiềm năng và thách thức với phát triển năng lượng điện của Lào

Điện được coi là nguồn thu lớn của Lào, đặc biệt là thông qua xuất khẩu sang các nước láng giềng và các nước ASEAN như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Myanmar.

Vì vậy, trong nhiều năm qua, Lào đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sản xuất năng lượng, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu trở thành “viên pin xanh” của khu vực Đông Nam Á.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đến năm 2035, khu vực ASEAN sẽ tiêu thụ năng lượng tương đương 1 tỷ tấn dầu, chiếm 10% tốc độ tăng trưởng sử dụng nhiên liệu toàn cầu. Để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Lào đang chú trọng đến phát triển năng lượng tái tạo.

Phát triển năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế, giảm ô nhiễm không khí và đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng cũng đòi hỏi những điều kiện cần thiết mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng đang phải cân nhắc như nguồn lực tài chính hay kinh nghiệm.

Tăng cường xuất khẩu điện sang các nước ASEAN

Theo số liệu của Bộ Năng lượng và mỏ Lào, từ tháng 1 - 9/2021 Lào thu được hơn 2 tỷ USD từ xuất khẩu điện, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoài. Để phát triển ngành năng lượng trở thành một ngành mũi nhọn, đóng góp lớn vào ngân sách, Lào đã có kế hoạch tăng cường xuất khẩu điện sang các nước ASEAN, đặc biệt là tập trung xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Theo đó, Chính phủ Lào đưa ra chính sách khuyến khích mua bán điện năng bằng nhiều hình thức như xuất khẩu điện trực tiếp qua các dự án hay trung tâm truyền tải điện; xuất khẩu từ hệ thống điện lực của Lào; xuất khẩu điện qua nước thứ ba.

Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng yêu cầu các dự án xuất khẩu điện phải là dự án nằm trong kế hoạch phát triển điện năng của Lào và của nước mua. Đồng thời, đáp ứng một số điều kiện như dự án được Chính phủ Lào cấp phép hay hai chính phủ đồng cấp phép cho dự án hợp tác chung trên biên giới; dự án qua khảo sát có tính khả thi cao; dự án ưu tiên của Chính phủ đem lại hiệu quả cao, đầu tư thấp, ít tác động tới môi trường và xã hội.

Theo Bộ Năng lượng và mỏ Lào, nước này có 86 dự án năng lượng với tổng công suất lắp đặt hơn 10.400MW, trong đó hơn 80% là thủy điện và 18,6% từ các nhà máy nhiệt điện. Trong 5 năm qua, Lào đã xuất khẩu hơn 6.400 MW điện sang Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 20.000 MW trong giai đoạn 2020 - 2030.

Hiện, Thái Lan là nước nhập khẩu điện nhiều nhất từ Lào với hơn 5.400 MW. Chính phủ Lào và Thái Lan cũng đã đồng ý sửa đổi thỏa thuận về mua bán điện, trong đó sẽ tăng thêm sản lượng xuất khẩu từ Lào.

Tháng 8 vừa qua, Lào và Việt Nam cũng đã ký kết ba Biên bản ghi nhớ (MOU) về mua bán điện. Trong đó, Việt Nam sẽ mua từ 3.000 - 5.000 MW điện từ các đập thủy điện của Lào trong vòng 10 năm tới. Lào cũng đang đàm phán để tăng cường xuất khẩu điện sang Campuchia, Myanmar và thông qua Thái Lan để xuất khẩu sang Singapore, Malaysia.

Ảnh minh họa

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Lào

Lào có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo khác để xuất khẩu. Nằm trong khu vực nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa, tốc độ gió trung bình ở Lào khá mạnh. Vì vậy, nhờ vào vị trí địa lý mà tiềm năng về năng lượng gió ở Lào là rất triển vọng. Lào cũng là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt trong 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam).

Ngoài ra, tiềm năng năng lượng mặt trời cũng được đánh giá cao khi Lào là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam Lào. Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1.800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng. Đối với Lào, thì tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam Lào. Theo một nghiên cứu cho biết, dư điạ phát triển năng lượng mặt trời ở Lào có thể lên đến 30.000MW, tương đương một nửa tiềm năng thuỷ điện.

Hiện Lào đã cho phép điện lực Pháp nghiên cứu khả thi dự án năng lượng mặt trời nổi hỗn hợp trên hồ chứa Nam Theun 2 ở tỉnh Khammuan với công suất lắp đặt 240MW, mục tiêu xây dựng vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động từ năm 2024. Việc phát triển các dự án điện mặt trời nổi sẽ tận dụng được không gian sẵn có trên các hồ chứa thuỷ điện, tiết kiệm được việc xây dựng đường dây truyền tải điện và các công trình khác, qua đó giảm vốn cho nhà đầu tư. Cùng với đó, Lào cũng đã chấp thuận nhiều dự án năng lượng gió tại Nam Lào do các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đầu tư.

Rào cản về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo

Thách thức lớn nhất mà Lào phải đối mặt khi phát triển năng lượng tái tạo đó là chi phí đầu tư cao và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư. Rào cản tài chính đã cản trở việc thực hiện dự án kinh tế do thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính phù hợp hoặc thiếu cơ chế bền vững. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng mạng lưới điện một số khu vực có tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời). Mặt khác, khó khăn trong phân phối, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo tăng. Nói chung, phát triển năng lượng tái tạo ở Lào hiện nay bị hạn chế bởi nhiều rào cản.

Mặc dù Lào là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay, số các dự án thực hiện còn rất ít, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất là không đáng kể là do thiếu chính sách đủ mạnh, đồng bộ bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử dụng; thiếu cơ chế tài chính hiệu quả cho việc đầu tư, quản lý, vận hành các dự án điện tái tạo tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngoài lưới; thiếu một quy hoạch tổng thể phát triển điện tái tạo.

Trước nhu cầu về năng lượng điện sạch và bền vững ngày càng tăng, Chính phủ Lào đã thành lập Quỹ thúc đẩy năng lượng, quỹ này có vai trò huy động tài chính để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong nước. Nguồn tài chính của quỹ được lấy từ ngân sách nhà nước, vốn viện trợ không hoàn lại, các khoản vay, khoản đóng góp và một số nguồn thu đến từ lĩnh vực năng lượng. Từ đó, quỹ sẽ cung cấp các khoản vay đầu tư để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học và khí đốt cùng các dự án thủy điện cỡ nhỏ.

Hiện những nước lớn trong thị trường năng lượng như Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Mỹ cùng một số ngân hàng, tổ chức tài chính đang bày tỏ quan tâm đến các dự án năng lượng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Lào. Tương lai không xa, cùng với các nguồn năng lượng thủy điện, Lào có thể sẽ xuất khẩu năng lượng điện gió, điện mặt trời sang các nước ASEAN.

Link gốc


  • 17/12/2021 10:27
  • Nguồn: vov.vn
  • 1126