Những điểm nhấn về năng lượng tái tạo năm 2020-2021

Trang tin Bloomberg (Mỹ) mới đây đã cập nhật một số điểm nhấn liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) năm 2020 và 2021.

1. Năng lượng mặt trời ở Mỹ phá kỷ lục 

Theo Cơ quan Nghiên cứu và Tư vấn năng lượng Wood Mackenzie và Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ, do bùng phát dịch COVID-19, tỷ lệ sử dụng NLMT quý II/2020 tại các khu dân cư ở Mỹ giảm gần 20% so với quý I/2020. Tuy nhiên, đến cuối năm lại phục hồi trở lại và đạt ngưỡng 19GW tổng công suất. Dự báo, điện mặt trời (ĐMT) sẽ tiếp tục bùng nổ vào năm 2021.

2. Số dự án NLMT tăng gấp đôi tại Trung Quốc 

Theo Wood Mackenzie, dự kiến sản lượng điện mặt trời của Trung Quốc 5 năm tới sẽ tăng mạnh sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào tháng 9/2020, Trung Quốc sẽ phấn đấu đạt mức không phát thải carbon vào năm 2060. Dự kiến, năm 2021, các dự án NLMT của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi.

3. Bùng nổ pin ắc quy tại Mỹ 

Dung lượng lưu trữ năng lượng trong pin ắc quy ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong quý III/2020 so với quý II/2020, trong đó, California là nơi có mức tăng cao nhất. 

4. Tây Ban Nha nổi lên như một nhà máy ĐMT khổng lồ 

Theo số liệu của Cơ quan quản lý lưới điện quốc gia Tây Ban Nha Red Electrica, điện từ các trang trại NLMT tại Tây Ban Nha, cường quốc NLMT lớn nhất châu Âu đã tăng hơn 60% vào năm 2020 so với 2019, tạo ra sản lượng điện lên tới hơn 15.000GWh. Theo Bloomberg, so với Tây Ban Nha, Đức chỉ đạt ngưỡng công suất bằng 1/3. Dự kiến, trong 2 năm tới, ĐMT của Tây Ban Nha sẽ phát triển với tốc độ gấp đôi so với tốc độ của Đức.

5. Ở châu Âu, NLTT bỏ xa nhiên liệu hóa thạch

Trong cao điểm của dịch COVID-19, khi nhu cầu điện năng tổng thể giảm, thị phần điện từ NLTT ở châu Âu bắt đầu tăng nhanh. Theo nhóm môi trường Ember, khoảng 40% sản lượng điện trong nửa đầu 2020 ở Liên minh châu Âu đến từ các nguồn NLTT, so với 34% từ các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 

6. Năm 2025, nước Anh sẽ loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường

Nước Anh vừa đạt kỷ lục không sử dụng nguồn than là nhiên liệu phát điện trong hơn hai tháng năm 2020, chính xác là 67 ngày, thời gian dài nhất từ cuộc Cách mạng Công nghiệp và năm 2020 đã trở thành năm “xanh” của quốc gia này. Dự kiến, nước Anh sẽ loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu phát điện gây ô nhiễm môi trường vào năm 2025 vì phần lớn nguồn điện của nước này được sản xuất tại các trang trại gió. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, sẽ cấm ôtô chạy bằng khí đốt mới vào năm 2030 và chi 1 tỷ USD trong 10 năm tới để thu hồi khí thải carbon, ít nhất từ hai trung tâm công nghiệp. 

7. Số Dự án NLMT ở Ấn Độ giảm mạnh

Do dịch COVID-19 và thiên tai liên tiếp xảy ra năm 2020, các dự án NLMT ở Ấn Độ giảm tới 72%. Dự báo, trong năm 2021, các dự án NLMT ở Ấn Độ sẽ tái khởi động, Ấn Độ sẽ có thêm nguồn năng lượng sạch và giảm nạn ô nhiễm môi trường.

8. Các nhà máy điện của Australia hoạt động dưới công suất

Giá điện cao, trong khi số giờ nắng dồi dào đã thúc đẩy các dự án án NLMT ở nước này phát triển mạnh. Ước tính, hiện có 29% số hộ gia đình lắp tấm pin quang điện. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới các Công ty Điện lực do nhu cầu sử dụng điện vào ban ngày từ lưới điện quốc gia giảm kỷ lục trong năm 2020. Nhiều nhà máy điện phải hoạt động cầm chừng, dưới công suất thiết kế.

9. Pin quang điện sẽ tăng giá tại Trung Quốc

Năm 2020, một vụ nổ và tình hình lũ lụt khiến hai nhà máy sản xuất polysilicon ở Trung Quốc phải đóng cửa. Đây là các nhà máy sản xuất các loại vật liệu quan trọng cho tế bào quang điện. Kết quả, tấm quang điện tăng giá 75% trong vòng chưa đầy hai tháng. Giá kính năng lượng mặt trời cũng tăng do việc sử dụng các tấm quang điện hai mặt, trong khi công suất bị hạn chế bởi các nhà máy kính gây ô nhiễm nặng tại Trung Quốc. Với tình trạng trên, dự báo các hãng sản xuất tấm quang điện NLMT sẽ phải tăng giá, bù cho chi phí sản xuất và giá nguyên vật liệu tăng. 
 


  • 13/05/2021 04:36
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 1150