Hội thảo tổng kết Dự án ‘Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam’

Hội thảo tổng kết Dự án ‘Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam’ nhằm đánh giá các hoạt động, kết quả triển khai của dự án tới cộng đồng các doanh nghiệp công nghiệp và toàn xã hội đã được Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/1, tại Hà Nội.

Hội thảo tổng kết Dự án ‘Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam’ . Ảnh: Ng.Tuấn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đánh giá cao những đóng góp của dự án cho mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) là 2 đơn vị phối hợp triển khai thực hiện.

Dự án được thiết kế nhằm góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) và tạo môi trường thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường Việt Nam.

Báo cáo kết quả thực hiện dự án, ông Kim Youngjun – Điều phối dự án cho biết, qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.049 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Giấy, thép, xi măng, hóa chất, dệt may... để thực hiện kiểm toán năng lượng. Các chuyên gia năng lượng đã đề xuất 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với các doanh nghiệp được lựa chọn kiểm toán.

Theo ông Kim Youngjun, nếu tất cả các giải pháp này được các doanh nghiệp thực hiện thì tiềm năng tiết kiệm chi phí năng lượng của họ đạt khoảng 78.000 USD/năm, cắt giảm được 606.000 tấn CO2/năm. Mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD/năm và thời gian hoàn vốn là hơn 2 năm.

Ông Kim Jinoh, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết trong số những biện pháp đối phó với thực trạng thiếu hụt năng lượng ở Việt Nam, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là biện pháp hữu hiện nhất đối với ngành công nghiệp, bởi tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành này là rất lớn, đồng thời các giải pháp tiết kiệm năng lượng, xét về mặt kinh tế tương đối khả thi với các doanh nghiệp.

Chia sẻ các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại hội thảo, đại diện Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho biết, cuối năm 2018 khi triển khai lắp đặt thiết bị biến tần điều khiển tốc độ cho hệ thống bơm nước làm mát, nhằm điều chỉnh lưu lượng và áp suất của đường ống nước cấp theo nhu cầu của hệ thống bình ngưng, công ty đã tiết giảm được sản lượng điện lên đến 2.706 MWh. Cùng với đó, công ty còn có các giải pháp tiết kiệm năng lượng khác như: Lắp đặt hệ thống bơm nhiệt hiệu suất cao để giảm lưu lượng hơi tại các bình gia nhiệt, lắp đặt thiết bị điều khiển tốc độ cho hệ thống bơm nước..., tổng sản lượng điện tiết kiệm của công ty là 14.147MWh.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia năng lượng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hướng dẫn các thủ tục cần khi ký kết hợp đồng dịch vụ ESCO, thủ tục vay vốn và cách tiếp cận các nguồn tài chính dành cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả.


  • 14/01/2020 09:00
  • Ngọc Tuấn
  • 3182