Hội thảo nghiên cứu giải pháp thực hiện báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Phương pháp luận xây dựng Kế hoạch thực hiện báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định trong lĩnh vực năng lượng (NDCs).

Toàn cảnh Hội thảo

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương): Đóng góp quốc gia tự quyết định là nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris. Trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn đối với mục tiêu giảm phát thải mà Việt Nam đã cam kết. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nên cần tiến hành nghiên cứu, rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện các khía cạnh từ hiện trạng, mục tiêu, giải pháp về cơ chế, chính sách, tài chính, kỹ thuật công nghệ...

“Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo sự đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của Bộ một cách hiệu quả nhất, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, bà Giang cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về phương pháp luận tiếp cận xây dựng kế hoạch NDCs cho ngành Công Thương phía sử dụng năng lượng; xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cho phía cung năng lượng…

Các chuyên gia cho rằng, khi rà soát chính sách thu thập số liệu, phân tích số liệu thông tin, tính toán cụ thể sẽ đánh giá tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính cho từng giải pháp và toàn bộ kịch bản; thiết lập tiêu chí để lựa chọn ưu tiên, phù hợp với mục tiêu chung và định hướng phát triển ngành thì mới có khả năng đề xuất mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đưa ra các khuyến nghị đúng đắn…

Kết luận Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cho hay, việc tính toán xác định hiện trạng phát thải khí nhà kính và xác lập các mục tiêu, biện pháp giảm phát thải của các ngành, tiểu ngành sản xuất và sử dụng năng lượng cần phải thực hiện từ dưới lên và đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật và khả năng tài chính, sát với thực tế doanh nghiệp; việc tính toán cập nhật kịch bản phát thải thông thường cho năng lượng cần bám sát các thông số vĩ mô của nền kinh tế để dự báo các kịch bản phát triển năng lượng đến năm 2030 của ngành…

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, đây là vấn đề còn rất mới và đang được nghiên cứu. Do đó, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia cần tiếp tục hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng, hoàn chỉnh phương pháp luận và đề xuất các giải pháp thực hiện NDCs trong lĩnh vực năng lượng…


  • 15/05/2018 02:22
  • Phan Thảo
  • 1516