Công nghệ mới giúp pin mặt trời tạo ra điện năng khi trời nhiều mây hay có mưa

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Queensland (Australia) đã ứng dụng công nghệ chấm lượng tử trong việc sản xuất những tấm pin mặt trời, từ đó giúp tạo ra những tấm pin có thể hoạt động trong những điều kiện thời tiết bất lợi như mây mù hay mưa gió.

Ảnh minh họa.

Theo đó, những tấm pin mặt trời được sản xuất bằng công nghệ chấm lượng tử có thể tạo ra điện năng ngay cả khi đặt ở trong nhà, hay khi trời nhiều mây, sương mù hay mưa gió. Các tấm pin này được cấu tạo trong suốt và rất mềm dẻo, nên có thể được sử dụng trong những chiếc xe ô tô điện thế hệ mới hoặc dán lên cửa sổ của các căn nhà.

Theo Giáo sư Lianzhou Wang - trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, các chấm lượng tử trong pin mặt trời khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ truyền các electron cho nhau, từ đó tạo thành dòng điện. Nhờ công nghệ trên, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được những tấm pin mặt trời với hiệu năng cao hơn 25% so với hiệu suất của pin mặt trời sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Cũng theo ông Wang, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ để có thể sớm tiến tới sản xuất đại trà và đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm hạ giá thành sản xuất, cải tiến công nghệ nhằm tối ưu trong việc tạo ra điện năng, mang tính ứng dụng cao hơn những tấm pin mặt trời truyền thống.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng, công nghệ mới này sẽ tạo bước đột phá trong việc sản xuất các tấm pin mặt trời trong tương lai, có thể được áp dụng cho các thiết bị công nghệ di động, đeo theo người.

Được biết, đầu tháng 1/2020, các nhà nghiên cứu này cũng đã công bố công nghệ có thể tạo ra điện từ những tấm pin mặt trời vào ban đêm bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt thải.


  • 24/02/2020 10:12
  • Huy P. (Theo eandt.thiet.org)
  • 1559