Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

Ngày 2/6/2022, tại Hà Nội, ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đồng chủ trì sự kiện công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam. Báo cáo đã nghiên cứu và đề xuất một số kịch bản phát triển để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050.

Đây là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch - Việt Nam xây dựng. Chương trình này là một phần đóng góp của Chính phủ Đan Mạch cho Nhóm Châu Âu (Team Europe) với mục đích hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam.

Lễ công bố diễn ra sáng 2/6 tại Hà Nội. Ảnh TN. 

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 đã đưa ra thông điệp: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow.

Cụ thể, báo cáo đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu...

Báo cáo triển vọng năng lượng 2021 đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Ông Kristoffer Böttzauw, Tổng giám đốc DEA cho biết: “Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Thông qua Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2021, được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn được chia sẻ làm thế nào để đạt được mục tiêu này đúng thời hạn và với chi phí thấp nhất có thể vì lợi ích của đất nước, người dân và đặc biệt là vì khí hậu toàn cầu”.

Trong những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vào khoảng 7% và nền kinh tế đang phát triển dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng khí thải cacbon. Điều quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và toàn cầu là, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có thể tách rời tiêu thụ năng lượng và phát triển kinh tế, đồng thời chuyển đổi hệ thống năng lượng của mình thành một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

“Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chúng tôi rất vui được chia sẻ với các đối tác Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất mà Đan Mạch đã có được trong suốt 30 năm qua để hỗ trợ Việt Nam”, ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã phát biểu tại buổi lễ công bố.

Do chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng hiện đang là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm và tranh luận của các nhà hoạch định chính sách và quản lý, các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu và truyền thông ở Việt Nam.

Báo cáo cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí hiệu quả bằng cách điện khí hóa mạnh mẽ ngành công nghiệp và giao thông vận tải cùng với mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo và thực hiện các mục tiêu tham vọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


  • 02/06/2022 04:53
  • Thảo Nguyên
  • 689