Bộ Công Thương ủng hộ Bình Định phát triển năng lượng tái tạo

Trong hai ngày 8-9/10, Đoàn công tác của Bộ Công Thương và Liên minh châu Âu (EU) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về tình hình kinh tế xã hội và phát triển lưới điện nông thôn cũng như năng lượng tái tạo.

Tại buổi làm việc, ngoài thông tin về tình hình kinh tế xã hội của Bình Định trong 9 tháng của năm 2020, ông Hồ Quốc Dũng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định còn cho biết thông tin về phát triển những dự án lưới điện nông thôn cũng như những dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh.

Buổi làm việc của Bộ Công Thương; Liên minh châu Âu với UBND tỉnh Bình Định - Ảnh: Hồng Hà.

Về đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trên địa bàn có nhiều khu vực có tiềm năng gió lớn hơn 6m/s, nhất là khu vực ven biển; số giờ nắng trên địa bàn tỉnh cũng tương đối lớn, hơn 2.461 giờ/năm được phân bố tương đối đều, tổng bức xạ trung bình khoảng 1.911kWh/m2/ năm.

Bên cạnh đó, khả năng đấu nối và truyền tải công suất các dự án năng lượng tái tạo đối với tỉnh Bình Định là rất thuận lợi. Tỉnh Bình Định hiện có đường dây 220kV liên kết với 03 tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Gia Lai; 03 trạm biến áp 220kV, 15 trạm biến áp 110kV và sắp đến có thêm trạm biến áp 220kV Nhơn Hội và nhiều trạm biến áp 110kV đưa vào vận hành. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời.

Cho đến nay, Bình Định đã trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 24 dự án điện mặt trời của các nhà đầu tư đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mới có 05 dự án được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII với tổng công suất là 529,5MWp. Số lượng các dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh là còn ít so với tiềm năng phát triển điện năng lượng tái tạo của tỉnh.

Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Bình Định hòa lưới điện quốc gia - Ảnh: Minh Phương.

Về điện gió, tỉnh đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong Khu Kinh tế Nhơn Hội và đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án điện gió, với tổng công suất 111MW. Đến nay, đã có 01 dự án điện gió đi vào vận hành phát điện với công suất 21MW và 03 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để thi công. Hiện, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 dự án điện gió với tổng công suất 225MW.

Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư đăng ký khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 1.799,5MW.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định mong muốn Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân còn lại, phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ổn định an ninh chính trị khu vực tuyến núi của huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung.

Để có cơ sở cho tỉnh Bình Định thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định. Đồng thời đưa các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030; xem xét phê duyệt điều chỉnh và bổ sung vào quy hoạch một số thuỷ điện nhỏ trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ EU tại Việt Nam - Giorgio Aleberti nhấn mạnh, việc cấp điện bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu giúp bà con nông dân trên đảo có chất lượng cuộc sống tốt hơn là một việc làm hiệu quả. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa mà EU đã thực hiện.

 “Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Bình Định còn rất lớn và phù hợp với chủ trương đầu tư của EU. Trong hỗ trợ của mình tại Việt Nam chúng tôi muốn nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo cũng như nâng cao chất lượng điện khí hoá nông thôn tại Việt Nam” – Đại sứ Giorgio Aleberti nhấn mạnh thêm.

Đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế xã hội của Bình Định, đặc biệt là các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, xuất khẩu tăng, giải ngân vốn đầu tư đạt kế hoạch, năng lượng tái tạo có chuyển biến tích cực, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ghi nhận đóng góp tích cực của ngành Điện trong việc đáp ứng nhu cầu điện ở khu vực nông thôn và cơ bản hoàn thành chương trình điện khí hoá nông thôn.

Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, thì việc hỗ trợ của Liên minh châu Âu hết sức có ý nghĩa. Thứ trưởng mong muốn EU tiếp tục có hỗ trợ cho Việt Nam trong phát triển điện nông thôn và năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời, do đó, Bộ ủng hộ Bình Định tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện trên địa bàn, mà còn góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ trưởng khẳng định, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương để hoàn thiện chương trình cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân còn lại. Đối với những đề xuất, kiến nghị, Thứ trưởng giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Bình Định nghiên cứu xem xét để hỗ trợ giải quyết trong thẩm quyền.