Việt Nam phấn đấu đạt 6.000 MW điện gió vào năm 2030

Hội thảo “Năng lượng gió Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Vestas (Công ty sản xuất tuabin điện gió của Đan Mạch) tổ chức đã diễn ra sáng nay ( 29/11), tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm giới thiệu với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng gió những giải pháp tài chính, chính sách và kỹ thuật tiên tiến… cũng như các giải pháp năng lượng gió hiện đại phù hợp với Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hoàng Quốc Vượng cho biết, Theo Quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, theo đó mục tiêu phát triển điện gió được đặt ra: Tổng công suất nguồn điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đến năm 2025 đạt 2.000 MW và đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất của điện gió chiếm tỷ trọng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió, trong ảnh là Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 mới được khánh thành ngày 25/11/2016 tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) - Ảnh: Thành Trung.

Tuy nhiên đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới vào vận hành với tổng công suất đặt trên 153 MW, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo khá lớn gồm các nguồn thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, mặt trời… Với hơn 3.200 km bờ biển, diện tích tiềm năng điện gió tốt và khá tốt tại Việt Nam vào khoảng 2.700 km², tương đương khoảng 10.000 MW điện gió trong đất liền.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, các nguyên nhân chủ yếu là do suất đầu tư dự án điện gió trong nước còn cao so với các nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế, nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vốn còn hạn chế…Trước thực tế nêu trên, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, hoàn thiện và nâng cao bộ máy tổ chức và phương thức quản lý trong lĩnh vực điện gió.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió theo thực hiện chỉ đảo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề xuất sửa đổi giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các khu vực dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho tất cả các dự án điện gió trên phạm vi cả nước theo hướng tăng giá mua điện gió quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg.  

Tại hội thảo, ông Chris Beaufait – Chủ tịch Vestas Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc cho rằng, điện gió có một tương lai rất sáng sủa. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam chỉ có hơn 150 MW điện gió được đưa vào khai thác. Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức trong quá trình xây dựng một ngành điện gió phát triển, vì vậy những thách thức này cần phải được nhận diện và giải quyết.

Chia sẻ những thành tựu về ngành điện gió của Đan Mạch đã đạt được, bà Charlotte Laursen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, ngành điện gió của Đan Mạch hiện nay có sự tham gia hoạt động của hơn 350 doanh nghiệp và đã tạo việc làm cho hơn 30.000 người. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành năng lượng gió trên thế giới đã dịch chuyển các đơn vị nghiên cứu và phát triển quan trọng tới Đan Mạch và không quốc gia nào trên thế giới có thể bắt kịp Đan Mạch về mức độ tập trung của các doanh nghiệp hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị điện gió.

Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã trao giấp phép thành lập Vestas tại Việt Nam cho ông Chris Beaufait – Chủ tịch Vestas Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc. Sau hội thảo về “Năng lượng gió Việt Nam” tại Hà Nội, một hội thảo tương tự cũng sẽ được Đại sứ quán Đan Mạch và Vestas tổ chức tại TP.HCM vào ngày 1/12/2016.


  • 29/11/2016 02:09
  • Ngọc Tuấn
  • 2201