Thiếu cơ chế tạo vốn cho các dự án điện

Vốn của ngành Điện không thiếu, mà thực chất là thiếu cơ chế tạo vốn cho các dự án điện - Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương tại Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam”, với chủ đề “Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức, ngày 13/12.

 

Hội thảo khoa học về vốn cho các dự án điện của đất nước - Ảnh: Vĩnh Long

Tham dự Hội thảo có ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thạo, Trợ lý Chủ tịch nước, đại diện các bộ, ngành liên quan, các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; các tổng công ty điện lực và tổ chức, tín dụng, ngân hàng trong nước.

Theo Quy hoạch điện VII, riêng về đầu tư công trình điện trong giai đoạn 2011 - 2020 phải xây dựng 55 nhà máy nhiệt điện than. Bên cạnh đó, còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và nhà máy điện hạt nhân; đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phân phối điện trên phạm vi cả nước.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành Điện giai đoạn 2011 - 2030 ước khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021 - 2030 là 75 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án khá chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Hiện nay, giá điện bình quân của Việt Nam khoảng 7 cent/kWh, trong khi đó, tại một số nước trong khu vực là 11 – 12 cent/kWh. Một nền kinh tế với giá bán điện quá thấp so với giá thành sản xuất, ngành Điện Việt Nam thiếu vốn đầu tư là tất yếu. Bên cạnh đó, do giá điện đã được bao cấp trong thời gian dài nên ngành Điện và ngành Than phải đứng ra gánh vác cho toàn bộ nền kinh tế".

Giải quyết vấn đề này, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương bày tỏ quan điểm, điều chỉnh Quy hoạch điện VII là cần thiết, song phải phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, để thu hút vốn đầu tư, ngành Điện cần phải công khai giá thành sản xuất điện, đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào hoạt động sau năm 2020, đảm bảo cho các nhà đầu tư có lãi khi đầu tư vào các dự án điện.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN, trong thời gian qua, công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng các dự án điện nói chung và nguồn điện nói riêng gặp không ít khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính trên thế giới, ảnh hưởng đến các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ.

Tuy nhiên, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 13,74% (tăng gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm). Trong 3 năm từ 2011 - 2013, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 22 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.838 MW, đạt 50% khối lượng được giao trong giai đoạn 2011 - 2015. Tổng giá trị nguồn vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2013 đạt 444.520 tỷ đồng.

Dự báo, sang năm 2014 và các năm tiếp theo, EVN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cho Quy hoạch điện VII, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ nay đến năm 2020. Vì vậy, Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành đề xuất, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính để bổ sung nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước tiếp tục tạo điều kiện cho EVN vay vốn để đầu tư các dự án nguồn điện, trên cơ sở EVN sẽ đăng ký kế hoạch với ngân hàng về nhu cầu và tiến độ giải ngân cho từng dự án.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý còn thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trong các công trình điện hiện nay, nhằm đánh giá lại mối quan hệ giữa đầu tư nguồn vốn cho các dự án nguồn điện và lưới điện của Việt Nam trong Quy hoạch điện VII. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhu cầu phụ tải và khả năng đáp ứng về vốn đầu tư trong thời gian tới. Đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ vào các dự án điện của đất nước.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Qui hoạch Điện VII), Tập đoàn Điện lực được giao:

+ Giai đoạn 2011 - 2015: đưa vào vận hành 34 tổ máy thuộc 16 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.738 MW;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: đưa vào vận hành 27 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.426 MW.

+ Tổng nhu cầu vốn đầu tư của EVN: khoảng 1.251.500 tỷ đồng, riêng đối với các dự án nguồn điện: Khoảng 542.000 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng nhu cầu đầu tư thuần của EVN (trên 920.000 tỷ đồng).

 


  • 13/12/2013 12:39
  • Phan Trang
  • 2661


Gửi nhận xét