Thị trường phát điện cạnh tranh: Lạc quan nhưng còn nhiều thách thức

Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) Việt Nam mới vận hành được 6 tháng, mặc dù vẫn đang dần khắc phục và hoàn thiện, song đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, dù phía trước còn nhiều thách thức. Đó là đánh giá chung của Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị tham gia VCGM thời gian qua.

Khởi đầu thuận lợi

Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ 1/7/2012. Đây được xác định là bước khởi đầu quan trọng trong lộ trình triển khai thực hiện thị trường điện (TTĐ) nói riêng cũng như chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam nói chung.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tham gia VCGM với những nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện; tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp lý phục vụ thị trường điện; đào tạo đội ngũ nhân lực có đủ kinh nghiệm, trình độ, vận hành thị trường điện một cách thông suốt, hiệu quả.

Chào giá trên thị trường điện tại Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi

 

Xác định đây là những nhiệm vụ đầy thử thách, khó khăn, nhưng không cho phép được thất bại, EVN đã tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ, thận trọng, khẩn trương ngay từ giai đoạn thử nghiệm đầu năm 2012 đến khi chính thức đi vào hoạt động.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:

Sau một thời gian ngắn vận hành, các đơn vị liên quan đã nỗ lực cao, mang lại những kết quả tích cực bước đầu cho thị trường phát điện cạnh tranh. Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các kế hoạch, giải pháp vận hành ổn định, và cải thiện kết quả hoạt động của TTĐ ngày càng tốt hơn.

(Trích đánh giá của Phó thủ tướng tại cuộc họp với các bộ ngành liên quan đến VCGM ngày 16/7/2012)

Tham gia VCGM ban đầu có 32 nhà máy điện (NMĐ), tổng công suất thiết kế là 8.965 MW, chiếm khoảng 37% công suất lắp đặt của hệ thống. Các NMĐ còn lại gián tiếp tham gia VCGM và do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (Đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện) trực tiếp điều hành.

Sau 6 tháng vận hành, VCGM đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành VCGM thuộc Dự án Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát thị trường điện giai đoạn 1 và bước 1 giai đoạn 2 do EVN đầu tư đã hoạt động tốt, đảm bảo vận hành tin cậy, liên tục và ổn định theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương.

Giá mua bán điện trên VCGM đã được cập nhật, công bố công khai trên trang Web của thị trường điện, tạo điều kiện cho việc minh bạch hóa chi phí mua điện của các nhà máy tham gia VCGM.

Theo đánh giá của Cơ quan Tư vấn quốc tế IES, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) đã được vận hành theo đúng quy định, tạo cơ sở cho việc xây dựng một cơ quan vận hành hệ thống và vận hành thị trường điện (TTĐ) chuyên nghiệp, đảm bảo vận hành TTĐ công bằng, minh bạch cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của TTĐ tại Việt Nam.

Đặc biệt, các nhà máy điện tham gia VCGM đã có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động nhập cuộc và tìm kiếm được cơ hội tối đa hóa lợi nhuận của mình. Nếu như trước kia, để gia tăng lợi nhuận, chỉ có một cách duy nhất là giảm chi phí sản xuất do giá điện đã được hình thành trong các PPA - (Hợp đồng mua bán điện dài hạn), thì khi tham gia VCGM, các nhà máy này còn có thể gia tăng lợi nhuận bằng các chiến lược chào giá hợp lý. Điển hình như các Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2... Thành công của các đơn vị phát điện trên có nguyên nhân từ việc lãnh đạo các đơn vị thấy được tầm quan trọng của chiến lược chào giá, đã tổ chức tốt công tác chào giá từ việc đầu tư các công cụ hỗ trợ đến đào tạo nguồn nhân lực tham gia công việc này.

Còn nhiều việc phải làm

Những kết quả tích cực bước đầu của VCGM là động lực để EVN tiếp tục triển khai công việc này một cách tích cực và hiệu quả hợn trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, VCGM vẫn có một số tồn tại và những  khó khăn khách quan. Vì vậy, thách thức vẫn còn nhiều. Đó là khẳng định của ông Trần Đăng Khoa  - Trưởng ban Thị trường điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo ông Khoa, đây là một thị trường non trẻ, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên cũng đã bộc lộ một số bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo ông Khoa, các quy chế theo quy định của VCGM hiện nay  chưa xử lý tốt các vấn đề liên quan đến an ninh hệ thống, chống lũ và tưới tiêu cho hạ du của các nhà máy thủy điện và đảm bảo vận hành kinh tế hệ thống khi gián đoạn nguồn cung cấp khí. Tuy nhiên, 6 tháng vận hành VCGM là thời gian không dài đối với cả lộ trình xây dựng, vận hành và phát triển TTĐ tại Việt Nam. Vì vậy, những thành quả bước đầu cũng như các khó khăn, thách thức phía trước đòi hỏi có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất từ Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực đối với tất cả các đơn vị tham gia. Và EVN sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt tham gia vào quá trình hình thành, vận hành và phát triển TTĐ tại Việt Nam. 

Ông Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Thị trường điện EVN:

Kết quả vận hành VCGM trong 6 tháng vừa qua thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của EVN với Cục Điều tiết Điện lực trong việc vận hành, giám sát kết quả vận hành VCGM theo đúng quy định của TTĐ. Để khắc phục một số tồn tại hiện nay, EVN đang và sẽ thường xuyên báo cáo Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương kết quả vận hành VCGM và kiến nghị các giải pháp để xử lý kịp thời. EVN cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo đội ngũ, tổ chức các khóa đào tạo mới cho đội ngũ tham gia VCGM...

Ông Nguyễn Trọng Oánh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD):

Kể từ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh chính thức, với những lợi thế nhất định về điều kiện địa lý, thời tiết thuận lợi, hệ thống thiết bị và các tổ máy phát điện vận hành ổn định, công tác chuẩn bị cho việc tham gia thị trường phát điện cạnh tranh được chuẩn bị kỹ. Do đó, Công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Để có được những thành công bước đầu khi tham gia VCGM, Công ty đã có kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng… từ rất sớm. Nguồn nhân lực được tuyển chọn từ những trưởng ca giỏi và có kinh nghiệm từ các nhà máy. Lực lượng này trực tiếp tham gia tìm hiểu, phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, thiết lập các phương án chào giá thử nghiệm để chọn những giải pháp hợp lý ứng với từng tình huống khác nhau.

Ngoài ra, Công ty còn tổ chức nhiều khóa học, hội thảo, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị bạn. Kết cấu hạ tầng công nghệ, hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu từ các nhà máy đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, góp phần quan trọng trong việc tham gia thị trường phát điện cạnh tranh chính thức.

Bên cạnh đó, Công ty cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị… đảm bảo các tổ máy luôn trong trình trạng sẵn sàng phát điện theo yêu cầu của thị trường…

 


  • 15/02/2013 06:44
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 3971


Gửi nhận xét