Thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Còn những trở ngại nào?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đang được chuẩn bị thí điểm trong năm 2016. Tuy nhiên, để có thể cụ thể hóa mục tiêu này, ngành Điện nói chung, EVN nói riêng sẽ còn phải đối diện với không ít các khó khăn, trở ngại.

Khó khăn do “quá mới và phức tạp”

Tại cuộc hội thảo được tổ chức mới đây của Bộ Công Thương về “Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh”, các khó khăn, thách thức đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ đa chiều.

Theo đó, rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về tính khả thi của một thị trường khi mà ở đó “các điều kiện cần và đủ chưa thực sự được hội tụ hết”. Cụ thể, Giáo sư Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực, phân tích: Muốn triển khai (thí điểm) được thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2 của thị trường điện), thì thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1 của thị trường điện) cần phải được hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng để có thể hoàn thiện thực sự thì vẫn  còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ như số lượng tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường điện phải nhiều hơn và tính cạnh tranh cũng cần được thể hiện rõ rệt hơn… Còn theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), để thị trường điện nói chung, thị trường bán buôn điện cạnh tranh nói riêng, triển khai thuận lợi, công tác cổ phần hóa các tổng công ty phát điện (GENCO) phải được thực hiện thành công. Chỉ khi cổ phần hóa xong, các đơn vị mới có thể “cạnh tranh” sòng phẳng theo đúng nghĩa của thị trường. Tuy nhiên, để cổ phần hóa các GENCO cũng lại là một câu chuyện không hề đơn giản, bởi “còn một số nút thắt” cần được tháo gỡ từng bước.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh, để có thể tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bản thân các đơn vị cũng sẽ phải đầu tư hoàn thiện nhiều về kết cấu hạ tầng, kỹ thuật… theo đúng thiết kế của thị trường. Nhưng trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng có thể đáp ứng ngay được các điều kiện này. Đặc biệt, nguồn nhân lực của các đơn vị cũng cần được đào tạo/đào tạo lại bởi tham gia thị trường điện hiện vẫn là lĩnh vực “rất mới và phức tạp” tại nước ta. “Kể cả đối với các tổng công ty phân phối điện (gồm các Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội) dù có quy mô lớn, nhưng nếu lần đầu tiên tham gia mua buôn, bán buôn cạnh tranh trên thị trường cũng sẽ không hề đơn giản” – Giáo sư Long nhận định.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh dự kiến sẽ được triển khai thí điểm trong năm 2016 - Ảnh: A0 cung cấp

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Tháo gỡ khó khăn, vượt qua các trở ngại (kể cả khách quan và chủ quan) để triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nếu chỉ một mình ngành Điện hay EVN thì không thể làm được – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – ông Trần Viết Ngãi, khẳng định.

Theo ông Trần Viết Ngãi, ngành Điện (mà ở đây chủ yếu là EVN) sẽ phải “nỗ lực thần tốc” để có thể kịp vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh ngay trong năm 2016. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, nhiều đơn vị khác nhau thì “mới có thể hình thành thị trường đúng nghĩa được”. Trước hết, đó là sự hoàn thiện về hệ thống quản lý, khung pháp lý và các văn bản liên quan đến thị trường. Đặc biệt là sự tham gia đông đảo của các đơn vị phát điện, đảm bảo tính cạnh tranh, sôi động, hấp dẫn cần thiết cho thị trường.

Bình luận về lộ trình triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng bày tỏ quan điểm: Rất cần sự vào cuộc đồng bộ, thận trọng của tất cả các đơn vị liên quan cùng với EVN. Bởi “thị trường hóa” trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, cũng như ngành Điện, là định hướng đúng, cũng là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, chỉ muốn và nỗ lực thôi chưa đủ, cũng như nếu chỉ có mình ngành Điện hay EVN thì không thể làm được. “Theo tôi, bước thí điểm thì chúng ta cứ nhanh chóng triển khai để rút kinh nghiệm, sau đó mới có thể vận hành chính thức suôn sẻ được” – ông Thành nêu quan điểm.

Về phía Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng, cho biết, đến tháng 6-2015, việc thiết kế (chi tiết) thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ cơ bản hoàn thành. Dự kiến, thị trường thí điểm sẽ được triển khai ngay trong năm 2016 để đến 2019 sẽ chính thức vận hành. Đây là điều kiện cần thiết để thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có thể hình thành sau năm 2022.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, đối với EVN, công tác chuẩn bị cho thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh cũng đang được chuẩn bị rất khẩn trương. Một số nhiệm vụ như, xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường, đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng vận hành thị trường… EVN đang triển khai khá tốt. Đây là một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho việc thí điểm thị trường được triển khai thuận lợi, đúng lộ trình.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về triển khai thị trường bán  buôn điện cạnh tranh:

- Thị trường điện bán buôn cạnh tranh Việt Nam phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các yếu tố đặc thù của hệ thống điện Việt Nam như: Nguồn năng lượng sơ cấp trong nước không đủ cho nhu cầu năng lượng nên trong tương lai phải nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện có giá thành cao; khí thiên nhiên cho phát điện tại một số khu vực có những ràng buộc cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả chung của nền kinh tế; hệ thống điện quốc gia có các nhà thủy điện lớn đa mục tiêu; hệ thống điện truyền tải liên kết các miền trải dài và còn chưa đủ mạnh; hạ tầng công nghệ thông tin ngành điện còn chưa hiện đại.

* Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện các điều kiện tiên quyết cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong đó:

- Khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện cạnh tranh;
- Bố trí nguồn nhân lực, nâng cao công tác đào tạo cho các đơn vị đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

 


  • 21/07/2015 02:37
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2951


Gửi nhận xét