Pakistan khủng hoảng năng lượng

Pakistan đang bị vướng vào một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình trạng này không những khiến tốc độ phát triển kinh tế chậm lại mà còn gây ra bất ổn công cộng do tình trạng mất điện kéo dài và thiếu hụt khí đốt.

Các nhà máy điện hoạt động không hiệu quả

Theo các dữ liệu có sẵn, công suất phát điện hiện tại ở Pakistan ước tính khoảng 22.500 MW, nhưng thực tế chỉ dao động trong  khoảng 15.000 MW.

Một phần là do các nhà máy điện đã lạc hậu và hoạt động không hiệu quả, một phần là do khủng hoảng tiền tệ, khiến các nhà máy điện không thể hoạt động ở công suất tối đa vì không đủ tiền mua dầu đốt. Nhiều nhà máy điện nhà nước có công suất lắp đặt trên 4.800 MW nhưng thực tế chỉ hoạt động ở mức 1.200 MW.

Hiện nay, phần lớn nguồn cung cấp điện đến từ các nhà máy thủy điện (6.500 MW) và nhà máy điện độc lập - IPP (6.500 MW). Công suất của các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào nguồn nước trong các đập, và có thể rơi xuống mức 2.500 MW khi mực nước giảm mạnh.

Một nhà máy thủy điện ở Pakistan - Ảnh ST

Cuộc khủng hoảng điện của Pakistan ngày càng trầm trọng bởi quá phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện, chủ yếu sử dụng dầu đốt sau khi Pakistan thất bại trước các dự án thủy điện trong những thập kỷ gần đây. Đập lớn nhất, Tarbella được hoàn thành vào giữa những năm 1970 và từ đó đến nay, không có thêm đập nào được xây dựng.

Phần lớn trong số 6.500 MW từ thủy điện là do 3 nhà máy Mangla, Tarbella và Ghazi Brotha đóng góp. Có hàng chục dự án IPP nhưng hoạt động không mấy hiệu quả. Pakistan cũng có 3 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất hơn 800 MW. Tuy nhiên, khả năng của các nhà máy này là “không đáng tin cậy”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhiều vấn đề khiến Pakistan rơi vào tình trạng thiếu điện. Ước tính, cứ mỗi 100 đơn vị điện được cung cấp, chỉ có 30 là được trả tiền, còn trong 70 đơn vị còn lại, gần 40 bị đánh cắp và 30 là nợ dài hạn.

Chính sách giải quyết

Để khắc phục tình trạng thiếu điện, Pakistan cần phải thực hiện một số quyết định chiến lược và thay đổi cơ cấu năng lượng quốc gia. Hiện, Islamabad đưa ra chính sách ngắn hạn, trung và dài hạn. Bước đầu tiên trong ngắn hạn đã được thực hiện bằng cách xóa nợ.

Chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif chi 500 tỷ Rupee (5 tỷ USD) cho các công ty năng lượng nhằm giúp giải quyết khó khăn. Islamabad cũng chi 260 tỷ Rupee tiền mặt cho các nhà máy điện độc lập để giúp các công ty này xóa nợ. Họ cũng phát hành trái phiếu để trả nợ cho các công ty thăm dò và sản xuất dầu khí thuộc sở hữu nhà nước. Bằng biện pháp này, Islamabad dự kiến sẽ có thể tạo ra 1.700 MW điện bổ sung, phần nào đáp ứng sự thiếu hụt 6.000 MW điện hiện nay. Tình hình có thể cải thiện theo thời gian.

Đối với chính sách trung hạn, tất cả các nhà máy điện nhà nước cần phải được cải tiến để nâng cao hiệu quả. Điều này sẽ giúp làm giảm chi phí sản xuất, đặc biệt, nên tập trung phát triển thủy điện bởi chi phí sản xuất thấp so với nhiệt điện. Đồng thời, nên chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu đốt sang chạy bằng than. Còn đối với biện pháp dài hạn, chính phủ Pakistan ưu tiên hoàn thành nhà máy điện Thar. Thar có trữ lượng hơn 185 tỷ tấn than, nguồn cung cấp nhiên liệu tại chỗ cho nhà máy. Ước tính Thar có thể tạo ra hơn 50.000 MW điện. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, Pakistan nên tập trung phát triển các thủy điện nhỏ và vừa.

Pakistan cũng có khả năng tạo ra điện từ các nhà máy đường trên khắp đất nước, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đây là một lựa chọn rất hấp dẫn, bởi vì các nhà máy đường chủ yếu sẽ sử dụng bã mía để làm nóng nồi hơi. Một lợi thế nữa của các nhà máy đường là chúng có khả năng sản xuất ethanol, một thành phần của xăng động cơ. Điều này sẽ giúp giảm lượng dầu và khí nhập khẩu.


  • 09/09/2013 10:19
  • Theo Công an Đà Nẵng
  • 3371


Gửi nhận xét