Những “mảnh ghép” ở trạm 500 kV Sơn La

Tôi quyết định ghé thăm Trạm 500 kV Sơn La nhân một chuyến công tác tại huyện Mường La (Sơn La). Cuộc gặp gỡ tuy khá bất ngờ nhưng lại rất thú vị, cởi mở với những công nhân vận hành Trạm đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc…

“Cao niên” 33 tuổi

Mặc dù không hẹn trước, nhưng Trưởng Trạm Nguyễn Văn Thư vẫn niềm nở đón tôi.  Anh Thư quê Thái Nguyên, có gần chục năm gắn bó với truyền tải điện và cũng đã công tác ở các trạm: 220 kV Việt Trì (Phú Thọ),  220 kV Yên Bái, 220 kV Hà Giang. Từ tháng 6/2009 đến nay dừng chân tại Trạm 500 kV Sơn La. Mỗi lần thay đổi đơn vị công tác, anh lại rồng rắn rinh cả “bầu đoàn thê tử” theo cùng để gia đình luôn được ở bên nhau

Anh Thư cho biết, toàn Trạm có 23 cán bộ, công nhân viên, 100% anh em đều xa quê, trong đó người có quê xa nhất là Hà Tĩnh. Sinh năm 1979, anh Thư đã được đưa vào hàng “cao niên”,hầu hết anh em trong đơn vị còn rất trẻ. Trẻ thì năng nổ, xông xáo, ham học hỏi, nhưng cũng có một vài “yếu điểm” như ít kinh nghiệm, làm gì cũng phải cầm tay chỉ việc. Điều đáng tiếc nhất là có người sau thời gian đào tạo lại xin chuyển vì không chịu nổi cuộc sống buồn tẻ ở đây.

Cách Trạm chừng dăm bước chân là khu nhà tập thể cán bộ, nhân viên. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là vài chục lồng chim treo dọc hành lang dãy nhà tập thể, chủ yếu là các loài chào mào, sáo, khướu,… đang đua nhau hót rộn ràng. Đi từ một nơi chỉ có tiếng kêu o o buồn tẻ của máy biến áp đến một nơi có tiếng chim hót trong trẻo thế này quả là dễ chịu - tôi nghĩ bụng. Ở đây, các anh còn nuôi 5 chú chó đen tuyền, cả lớn lẫn bé “cho vui cửa vui nhà” – như cách nói của anh Thư.

Trạm 500 kV Sơn La

Nước “rừng ma”

Vì xa quê, xa nhà nên mọi người đều cố gắng xây dựng khu tập thể của mình sao cho thật đầm ấm. Dù vậy, tôi vẫn có đôi chút băn khoăn trước điều kiện sinh hoạt ở đây. Chẳng hạn như nguồn nước sinh hoạt lấy từ giếng đào bên bờ suối, cách nhà tập thể khoảng 800m. Ống dẫn nước đi qua “rừng ma” (vì ngay phía trước Trạm là khu nghĩa địa của người dân địa phương, “rừng ma” là gọi theo cách của họ – PV), nên thi thoảng ống dẫn nước bị vỡ vì bà con đào huyệt vô tình đào trúng – anh Thư chia sẻ.

Khi mới chuyển lên đây, tôi đã lắp thêm mạng internet để anh em truy cập tin tức, vừa là giải trí, cũng vừa là biện pháp “giữ chân” cán bộ - anh Thư nói vui.

Phòng ở của CBCNV cũng giống như ký túc xá sinh viên. Mỗi phòng kê khoảng 4-5 giường với đồ đạc cá nhân gọn nhẹ. Môn thể thao ưa thích của hầu hết anh em sau ca trực là đá bóng -  anh Nguyễn Quang Trung, nhân viên vận hành Trạm cho biết. Ở đây, họ gọi là sân bóng đá cho “oai” chứ thực ra chỉ là mảnh đất hoang trước cổng Trạm, ngay cạnh “rừng ma”, đã được san phẳng, đủ để diễn ra các trận bóng sôi nổi không kém các trận thi đấu có giải ở các cấp.

Thi thoảng, mấy anh em trẻ cũng rủ nhau xuống phố để “giải ngố”. Từ Trạm xuống tới trung tâm huyện mất khoảng 100 nghìn đồng tiền tắc-xi – anh Trung “bật mí” thêm.

Để hiểu thêm về cuộc sống, tôi rẽ qua bếp ăn. Cô gái Lò Thị Nhung, 26 tuổi, được thuê  làm cấp dưỡng cho cán bộ, nhân viên của Trạm với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi “Lương thế là cao hay thấp?” Nhung cười lắc đầu: “Không biết nữa”. Hằng sáng, Nhung đi chợ, mua thực phẩm cho cả ngày. Bữa ăn thường có 4 món: Cơm, canh, một món mặn (thường là thịt lợn) và một món xào. “Các anh ăn uống đơn giản lắm” -  cô đầu bếp người dân tộc Thái thật thà.

Khi tôi đến, Nhung đang chuẩn bị bữa tối. Trên bếp ga là một chảo thịt rán và một nồi lớn canh rau ngót vừa chín tới. Hỏi ra, tôi được biết, trung bình mỗi suất ăn của các anh khoảng 10 nghìn đồng. Những ai đang trong ca trực thì Nhung đưa cơm lên tận nơi làm việc để các anh ăn tại chỗ, còn lại đều đến ăn tại nhà bếp…

Và… “mảnh ghép” tìm được

Rời Trạm 500 kV Sơn La sau chuyến  “đột nhập” bất ngờ ấy, tôi không thể không ấn tượng bởi những gương mặt rám nắng, rắn rỏi, không thể quên những nụ cười sảng khoái, trẻ trung của những cán bộ, công nhân truyền tải. Ở đó, tôi đã tìm thêm được 1 “mảnh ghép” lạc quan, yêu đời trong “bức tranh” đa màu sắc về người lao động EVN và càng thêm trân trọng những đóng góp của họ trong việc giữ cho dòng điện luôn thông suốt.


  • 26/11/2012 11:22
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4108


Gửi nhận xét