Mở cửa cho điện sinh khối

Ngày 24/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó có giá bán điện, cùng với những hỗ trợ về thuế, đất đai và vốn đầu tư. Đây được coi là cánh cửa mở cho điện sinh khối tại Việt Nam phát triển.

Mở ra hành lang pháp lý

Ông Nguyễn Hải – Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam khẳng định: “Cơ chế hỗ trợ phát triển điện sinh khối tại Việt Nam được ban hành là tín hiệu vui cho chúng tôi khi hành lang pháp lý đầu tiên được hình thành, hứa hẹn tạo động lực phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam”.

Theo ông Hải, hiện nay cả nước có 41 nhà máy sản xuất đường, trong đó 40 nhà máy sản xuất đường từ mía, còn lại Nhà máy đường Biên Hòa là sản xuất từ đường thô. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 6 - 7 nhà máy tận dụng nguồn nhiên liệu tại chỗ là bã mía để sản xuất điện, với tổng công suất lắp đặt khoảng 140 MW và tổng công suất phát điện hơn 70 MW. Nguyên nhân là do chưa có chính sách hỗ trợ giá bán điện sinh khối nối lưới, các nhà máy mía đường phát điện lên lưới với mức giá rất thấp không thể thu hồi vốn đầu tư (giá điện sinh khối chỉ dao động từ 600 – 900 đồng/kWh).

Các dự án đồng phát nhiệt – điện sử dụng nhiên liệu từ bã mía chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất của nhà máy. Với Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg, bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện dư từ các dự án đồng phát nhiệt – điện sử dụng năng lượng sinh khối, với giá điện tại thời điểm giao nhận là 1.220 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,8 UScents/kWh). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VNĐ/USD. Đối với các dự án điện sinh khối khác, giá bán điện được áp dụng theo biểu giá chi phí tránh được do Bộ Công Thương xây dựng và ban hành hằng năm. Bên cạnh đó, các dự án điện sinh khối tại Việt Nam còn được hưởng những ưu đãi về vốn đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai.

Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương nhận định: “Chưa thể khẳng định được mức giá này cao hay thấp. Với mức giá 5,8 UScents/kWh (chưa kể VAT) cộng với khoảng hơn 1 UScent/kWh gồm các hỗ trợ khác về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, huy động vốn đầu tư, đất đai…Như vậy, tổng giá bán điện đối với các dự án đồng phát nhiệt – điện có thể lên đến gần 7 UScents/kWh”. Đối với các nhà máy đã có công nghệ, thiết bị phù hợp, suất tiêu hao bã mía thấp, hiệu suất chuyển hóa cao, hệ thống giao thông, đấu nối lưới điện, cứu hỏa, cấp nước… thuận lợi thì với mức giá này chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.

Sản xuất điện từ nhiên liệu sinh khối tại nhà máy đường Maharashtra - Ấn Độ. Ảnh: internet

Cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn

Thống kê của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho thấy, hiện nay tổng công suất ép mía của 40 nhà máy mía đường Việt Nam là 142.200 tấn/ngày, với khả năng sản xuất khoảng 2 triệu tấn đường/năm. Tuy nhiên, do sản lượng mía chưa đáp ứng được nên trung bình các nhà máy chỉ có thể sản xuất được 1,6 triệu tấn đường/năm. Từ đó, khoảng 30% lượng bã mía sẽ được thải ra, song mới chỉ có một phần trong số này được dùng để sản xuất điện, còn lại là dư thừa gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường với tổng công suất khoảng 500 MW và nâng lên 2.000 MW vào năm 2030; tỷ trọng điện sản xuất tăng từ 0,6% năm 2020 lên 1,1% năm 2030. Như vậy, trung bình 1 năm, năng lượng sinh khối phải tăng công suất khoảng 70 MW. Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, trong trường hợp các nhà máy mía đường phát huy được tối đa công suất, cùng với việc sử dụng toàn bộ lượng bã mía dư thừa, sẽ có thể nâng công suất sản xuất điện lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Tuy nhiên, ngoài việc điều chỉnh biểu giá, còn có rất nhiều yếu tố tác động đến đầu tư sản xuất điện từ năng lượng sinh khối như lãi suất vay, đầu tư vốn, chi phí vận hành, bảo dưỡng, lựa chọn địa điểm, vận chuyển nhiên liệu… Vì vậy, “sau khi có cơ chế hỗ trợ chung, Chính phủ cần tiếp tục ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, quy hoạch phát triển điện sinh khối, trước mắt để các nhà máy đang nối lưới có thể tiếp cận, thứ nữa đến các nhà máy đầu tư mới” - ông Nguyễn Đức Cường khẳng định. Do đó, để đạt được được mục tiêu trên về phát triển năng lượng sinh khối, ngoài quyết tâm của Chính phủ còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà đầu tư.

Bã mía là nguyên liệu dồi dào cho sản xuất điện

Theo ông Nguyễn Đức Cường, đối với những nguồn năng lượng mới tại Việt Nam, để đầu tư phát triển cần có những bước đi mang tính thăm dò và phải nghiên cứu một cách tổng thể. Thời gian qua, nếu như điện gió chưa phát triển do bị tác động bởi các yếu tố như giá bán điện, tốc độ gió, suất đầu tư, lãi suất vay… thì năng lượng sinh khối lại bị chi phối bởi giá bán điện, kết cấu hạ tầng giao thông, đấu nối lưới điện… Giải quyết đồng loạt các vướng mắc trên, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh khối tại Việt Nam mới có thể phát triển mạnh trong thời gian tới.
 

Năm 2013, năng lượng sinh khối chiếm khoảng 10% năng lượng toàn cầu, trong đó 2/3 được sử dụng ở các nước phát triển để nấu ăn và sưởi ấm. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

 


  • 19/06/2014 09:34
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 24609


Gửi nhận xét