Doanh nghiệp Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo

"Với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Đức, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng dồi dào của nguồn năng lượng này” - ông Berthol Breid, Giám đốc Học viện Năng lượng tái tạo Đức (RENAC) đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV evn.com.vn.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn mục tiêu của Chính phủ Đức về việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050?

Ông Berthol Breid – Giám đốc Học viện Năng lượng tái tạo Đức (RENAC)

Ông Berthol Breid: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự thiếu hụt về năng lượng và những tác động tới bầu khí quyển đã buộc Chính phủ Đức “suy nghĩ” tới việc sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện và sinh hoạt cũng khiến cho Chính phủ “đau đầu”. Tuy nhiên, mãi tới năm 1990, các kỹ sư Đức mới bắt đầu nghiên cứu để khai thác các nguồn năng lượng mới.

Cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trong những bước đi đầu tiên để phát triển năng lượng tái tạo, Đức không tránh khỏi vấp ngã. Đến năm 2004, Bộ Luật đầu tiên về năng lượng tái tạo của Đức được ban hành thực sự là “đòn bẩy” đưa năng lượng tái tạo phát triển lên tầm cao mới. Trong vòng 10 năm (2004 - 2014), năng lượng tái tạo đã chiếm 25% tổng nguồn điện trên toàn nước Đức.

Cách đây 3 năm, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), Chính phủ Đức đã yêu cầu đóng cửa 8 trong số 17 nhà máy điện hạt nhân và yêu cầu lập kế hoạch dừng hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân còn lại vào năm 2025. Đồng thời, Đức cũng đặt mục tiêu đến năm 2050 sử dụng 100% NLTT. Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân tại Đức trong đó có RENAC đang “chạy đua” để đạt được mục tiêu này.

PV: Cụ thể, RENAC đã có "hành động" nào để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển?

Ông Berthol Breid: Được thành lập vào năm 2007, RENAC là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, trụ sở chính đặt tại thủ đô Berlin. Khách hàng của RENAC bao gồm cả thành viên làm việc trong khu vực nhà nước và tư nhân. Trong vòng 6 năm qua (2007 - 2013), RENAC đã đào tạo cho hơn 4.000 người, đến từ 130 quốc gia trên thế giới.

PV: Vì sao RENAC lại chọn Việt Nam là một trong 7 quốc gia đối tác  hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo?

Ông Berthol Breid: Việt Nam không chịu sức ép về việc nhập khẩu năng lượng. Tuy nhiên trong 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng , sản xuất. Nếu tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay, tương lai không xa, Việt Nam dần dần cũng phải nhập khẩu năng lượng. Một câu hỏi tương tự đã từng đặt ra đối với Đức đó là, làm thế nào để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, vừa thỏa mãn nhu cầu sử dụng điện.

Thực tế trong những năm qua, CHLB Đức đã tài trợ và triển khai một số dự án về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các nội dung chính như hỗ trợ xây dựng chính sách, nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác với khối tư nhân. Từ năm 2014, một loạt các dự án mới về năng lượng tái tạo đã được Bộ Môi trường, Bảo tồn tự nhiên, xây dựng và an toàn hạt nhân CHLB Đức (BMUB) phê duyệt thực hiện, trong khuôn khổ "Sáng kiến khí hậu quốc tế" (IKI). Một trong những dự án đó là “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hòa lưới điện (CapREG)”.

Với những kinh nghiệm tích lũy được, kết hợp với tiềm năng sẵn có của Việt Nam, RENAC mong muốn được chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế thấp nhất những thất bại và rủi ro mà Đức đã vấp phải.

PV: Ông cho biết rõ hơn mục đích chính của chương trình nâng cao năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hòa lưới điện?

Ông Berthol Breid: Chương trình nâng cao năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hòa lưới điện (CapREG) là chương trình đào tạo, xây dựng mạng lưới và trao đổi kinh nghiệm cho các bên liên quan ở khu vực công và tư trong ngành NLTT. Từ đó, thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển và giảm lượng phát thải khí CO2.

Tại Việt Nam, đây là chương trình đang trong giai đoạn đầu triển khai, vì vậy đối tượng chính là các nhà xây dựng chính sách từ các bộ ngành, Cục Điều tiết Điện lực, phân phối và truyền tải điện, cho đến các tổ chức tài chính, Hiệp hội công thương nghiệp, các tổ chức chính phủ và báo chí.

Trước mắt, chương trình sẽ tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu tại Việt Nam, từ đó tập trung đào tạo nâng cao năng lực và hòa lưới điện đối với một nguồn năng lượng tái tạo cụ thể, có thể là điện gió hoặc điện mặt trời.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chương trình nâng cao năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hòa lưới điện (CapREG):

- Do Bộ Môi trường, Bảo tồn tự nhiên, xây dựng và an toàn hạt nhân (BMUB) CHLB Đức tài trợ, với nguồn vốn hỗ trợ từ Sáng kiến Khí hậu quốc tế Đức (IKI)

- Được thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016)

- 7 quốc gia đối tác gồm: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Mexico, Ecuador và Peru.

 


  • 25/04/2014 10:24
  • Phan Trang (thực hiện)
  • 22888


Gửi nhận xét