Hiệu quả ngầm hóa lưới điện ở TP. Hồ Chí Minh

Sau 10 năm (2011-2020) thực hiện Đề án “Ngầm hóa lưới điện TP.HCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hoá dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020”, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.

Xây dựng đô thị an toàn, đảm bảo mỹ quan

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đến nay tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn Thành phố tăng từ 25% năm 2011 lên 45% vào cuối năm 2020, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 35%). Thành phố đã cơ bản hoàn thành ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm; hoàn tất việc cải tạo, ngầm hóa lưới điện, đường dây thông tin tại các tuyến đường chính trong khu vực nội thành, các tuyến đường liên quận. Ngoài ra, lưới điện, đường dây thông tin nằm trong các dự án giao thông cải tạo sửa chữa mở rộng đường cũng được ngầm hóa đồng bộ. 

Các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao thẩm mỹ đô thị; tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật lưới điện và đường dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại; giảm diện tích chiếm dụng đất của các công trình hạ tầng kỹ thuật; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Tổng công ty đã tiếp thu và làm chủ được công nghệ mới sử dụng trên thế giới, tạo được hệ thống lưới điện ngầm văn minh, hiện đại. Lưới điện Thành phố ngày càng được chuẩn hóa, kiện toàn về kết cấu, có độ dự phòng vận hành cao và đáp ứng tiêu chuẩn N-1, một số khu vực trung tâm đáp ứng N-2. Ngoài ra, các dự án cải tạo, ngầm hoá lưới điện đã giúp Tổng công ty thực hiện tốt các chỉ tiêu về tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, để ngầm hóa thành công, lãnh đạo Thành phố đã vào cuộc quyết liệt, đưa ra các quyết sách quan trọng, đặc biệt là việc đưa ngầm hóa vào chương trình kích cầu, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, là sự chủ động của ngành Điện; sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan; sự hỗ trợ và đồng thuận của đại đa số người dân trong khu vực.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo ngầm hóa Thành phố; chủ động nghiên cứu, đổi mới phương thức làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác hỗ trợ từ yêu cầu của thực tiễn... Bên cạnh đó, cơ chế xã hội hóa đã phát huy hiệu quả với sự tham gia ngày càng nhiều các nhà đầu tư hạ tầng viễn thông. Cụ thể, nếu trước năm 2011, chỉ có ngành Điện thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện riêng, đến giai đoạn 2011-2020, đã có sự tham gia tích cực của các đơn vị viễn thông và các nhà đầu tư như Viettel, VNPT, SCTV, FPT, Tradincor, Mobifone, HTVC, CMC, TPCOM.

Đường phố ở TPHCM thông thoáng, sạch đẹp sau khi lưới điện được hạ ngầm

Cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ

Tuy nhiên, triển khai công việc hạ ngầm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên địa bàn TP.HCM có nhiều công trình ngầm như cấp thoát nước, viễn thông, điện lực,… nên trong quá trình thỏa thuận tuyến, triển khai thi công vẫn còn những vướng mắc, dẫn đến phải thay đổi, hiệu chỉnh thiết kế nhiều lần. Sự tham gia, phối hợp của một số Sở, ngành và UBND các quận, huyện còn chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, chưa giải quyết hết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện ngầm hóa, đặc biệt là vấn đề thỏa thuận tuyến, cấp phép thi công đào đường, tái lập mặt đường…

Sau khi thực hiện ngầm hóa, toàn bộ trụ và đường dây điện hiện có sẽ được thu hồi. Theo đó, các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như: máy biến thế, tủ đóng cắt (RMU) và các tủ điện hạ thế phải tái bố trí lại trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường khá chật hẹp không đủ mặt bằng bố trí, lắp đặt thiết bị; một số người dân không muốn lắp đặt cácTBA, thiết bị điện trước cửa nhà… Ngoài ra, hiện chưa triển khai thực hiện ngầm hóa hệ thống cáp điện cho chiếu sáng, tín hiệu giao thông, do đó một số trụ điện vẫn phải giữ lại để đỡ dây cấp nguồn và làm cần đèn của hệ thống chiếu sáng.

Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn hiện thực hóa Đề án Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, cùng với đó là công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố. Chính vì vậy, các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin sẽ tạo đà cho việc xây dựng hạ tầng hiện đại, thông minh, số hóa… 

Để công việc ngầm hóa đạt hiệu quả cao, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc EVNHCMC, TP.HCM cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành với các đơn vị quản lý hạ tầng, tạo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, cần sớm xây dựng quy hoạch kết cấu ngầm, đưa các thông tin quản lý ngầm lên Cổng Thông tin điện tử dùng chung để các đơn vị có thể chia sẻ, phối hợp thực hiện, tránh trường hợp đơn vị này đào lên, đơn vị khác lại lấp xuống, gây lãng phí nguồn lực. 

Ngoài ra, UBND Thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả nguồn vốn kích cầu đối với việc ngầm hóa của ngành Điện; nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới đưa vào lĩnh vực ngầm hóa. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả, lợi ích các dự án ngầm hóa, tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp trong các khu vực thi công. 

Kết quả hạ ngầm lưới điện giai đoạn 2011-2020 của EVNHCMC

- Hoàn thành 240 dự án ngầm hóa, với 1.025km lưới điện trung thế và 1.730km lưới điện hạ thế.
- Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế khu vực Quận 1, Quận 3: đạt 98%
- Tỷ lệ ngầm hóa khu vực nội thành các quận còn lại: đạt 60%.


  • 15/01/2021 03:51
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4398