Hệ số đàn hồi điện/GDP tại một số nước Châu Á

Hệ số đàn hồi điện/GDP của Việt Nam luôn ở mức cao,  từ 1,6 đến 2,0, trong khi tại nhiều nước trên thế giới, con số này là dưới 1,0. Chúng ta cùng tham khảo hệ số đàn hồi điện/GDP của một số nước châu Á.

Trung Quốc: Giám sát tích cực các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất

Là một trong những “công xưởng” khổng lồ của toàn cầu, lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành công nghiệp đều đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhận ra mối nguy hại khi hệ số đàn hồi 1,0 là quá lãng phí, trong giai đoạn 2005 - 2010 Trung Quốc đã đặt mục tiêu kiên quyết giảm tốc độ tăng trưởng điện trong khi vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, Chính phủ Trung Quốc thông báo về kế hoạch giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, với chương trình chính là giám sát và hướng dẫn cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm. Có 1000 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất từ 9 ngành công nghiệp đã được lựa chọn. Mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của các doanh nghiệp này vào năm 2004 chiếm khoảng 50% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp và 30% tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp tham gia sẽ phải báo cáo hàng năm về tổng năng lượng tiêu thụ trong 5 năm đầu và cứ 5 năm tiếp theo phải thực hiện một đợt kiểm toán năng lượng, triển khai kế hoạch tiết kiệm năng lượng, thiết lập mục tiêu tiết kiệm năng lượng và áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng. Các hệ thống quản lý năng lượng chuẩn cũng được đưa vào áp dụng trong chương trình này. Nhờ đó, tính riêng trong hai năm 2008 - 2009, lượng điện thương phẩm của Trung Quốc chỉ tăng 6%/năm, trong khi GDP tăng gần 10%/năm.

Trung Quốc yêu cầu giám sát chặt chẽ các đơn vị tiêu thụ nhiều năng lượng.  Ảnh minh họa

Singapore: Từ một quốc gia “tay trắng” về tài nguyên…

Hệ số đàn hồi điện/GDP của Singapore xấp xỉ khoảng 1,0 và là một trong những quốc gia có hệ số đàn hồi thấp nhất trong khu vực. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi nền kinh tế Singapore được đánh giá là phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, Quốc đảo sư tử này lại hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu phải nhập khẩu. Chính vì vậy, Singapore đã xây dựng chính sách về bảo tồn, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng truyền thống và đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Theo đó, Chính phủ Singapore đã đề ra 6 chiến lược năng lượng gồm: Thúc đẩy cạnh tranh bằng chính sách tự do hóa thị trường năng lượng; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng với các chính sách khuyến khích đầu tư linh hoạt; cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; xây dựng nền công nghiệp năng lượng và đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng lượng; chiến lược về việc đổi mới phương pháp tiếp cận toàn bộ các vấn đề năng lượng của cơ quan hoạch định chính sách – Chính phủ Singapore.

Năm 2008, Singapore thực hiện Chương trình tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, trị giá 22 triệu USD Singapore. Sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án đã tiết kiệm được nguồn năng lượng trị giá 160 triệu USD Singapore, mỗi năm giảm hơn 40.000 tấn khí thải CO2.

Cũng trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành liên quan của Singapore đã vào cuộc, nỗ lực thực hiện mục tiêu quốc gia giảm 35% hiệu suất sử dụng năng lượng, phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tiêu thụ năng lượng tương đương năm 2005. Chính phủ Singapore cũng ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả, coi đó là chiến lược quan trọng để cắt giảm lượng khí thải cacbon gây hiệu ứng nhà kính - một vấn đề khá hóc búa ở Singapore khi mà nhu cầu của các ngành công nghiệp phục vụ công cuộc phát triển đất nước tăng cao.

Cùng với đó, Singapore chú trọng đầu tư các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho biết, Quốc đảo sư tử có thể sản xuất khoảng 30% năng lượng cần thiết từ năng lượng mặt trời nhờ việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại.

Hạn chế về tài nguyên, không một giọt dầu, nền tảng năng lượng của Singapore được coi là cực kỳ phụ thuộc và “dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, với chính sách đột phá, có tầm nhìn, ngày nay đất nước nhỏ bé này đã trở thành trung tâm lọc hóa dầu hàng đầu của châu Á, một quốc gia có thị trường điện cạnh tranh nhất, nguồn năng lượng đa dạng nhất, hình mẫu về sự bền vững và an ninh năng lượng.

Singapore tập trung phát triển các nguồn năng lượng mới phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước     Ảnh minh họa

Malaysia: Tăng cường năng lượng tái tạo

Do tập trung theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp bằng mọi giá, các nguồn năng lượng của Malaysia cũng bị khai thác triệt để. Đỉnh cao nhất là năm 2001, hệ số đàn hồi điện/GDP của Malaysia là 2,9. Con số báo động này buộc Chính phủ Malaysia phải hành động ngay, chuyển đổi ngành năng lượng của mình sang hướng sử dụng hiệu quả hơn và áp dụng rộng rãi công nghệ cacbon thấp.

Ngay sau đó, kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (2001 – 2005) đã được xây dựng với mục tiêu là phát triển bền vững các nguồn năng lượng. Mặc dù dầu mỏ và than đá vẫn là nguồn nguyên liệu chính, song các nguồn nguyên liệu thay thế như gió, nước, ánh nắng mặt trời, sinh học, địa nhiệt cũng được tăng cường sử dụng. Một loạt các chính sách khuyến khích đã được đưa ra, trong đó tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo. Đó là, tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có, dư thừa ở Malaysia như bã cây cọ dầu, các sản phẩm thải nông nghiệp khác; khuyến khích hợp tác giữa các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Kết quả, đã có khoảng 80 MW năng lượng điện được tạo ra dựa trên sự hợp tác này.

Malaysia khai thác triệt để các nguồn năng lượng thay thế. Ảnh minh họa

Đồng thời, chính phủ Malaysia còn khuyến khích dự trữ nhiệt; sử dụng các vật dụng và thiết bị tiết kiệm điện; cải thiện hiệu suất năng lượng; tối thiểu hoá sự tác động của năng lượng đến môi trường; gia tăng việc trợ cấp vốn, giảm trừ thuế đầu tư, miễn trừ thuế doanh thu và thuế nhập khẩu đối với các ngành có hiệu suất năng lượng cao. Nhờ vậy, tỉ lệ tăng trưởng sản lượng điện sản xuất của Malaysia đã giảm đáng kể, từ 10,2 % (1991 – 2000) xuống còn 6,7% (2001 – 2007). Mới đây, tại Hội nghị về dầu mỏ và khí đốt châu Á lần thứ 14 diễn ra tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia - Najib Razak nhấn mạnh, ngành công nghiệp năng lượng nước này cần phải phát triển chiến lược chuyển đổi. Theo đó, việc sử dụng năng lượng từ các nguồn thay thế như sức gió, sức nước, ánh nắng mặt trời, sinh học, địa nhiệt sẽ được tăng gấp đôi từ nay cho tới năm 2030.

“Duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng đang trong tầm tay của các chính phủ tại Đông Á. Mặc dù nhiều nước đã có những biện pháp để chuyển đổi ngành năng lượng của mình sang hướng sử dụng hiệu quả và áp dụng rộng rãi công nghệ cacbon thấp. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực vẫn cần phải tăng tốc và nỗ lực hơn nữa để ngành năng lượng phát triển bền bững”.

Trích Báo cáo “Làn gió mới: Tương lai năng lượng bền vững của Đông Á” của Ngân hàng Thế giới năm 2010.

 


  • 27/08/2012 10:38
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 5471


Gửi nhận xét