Điện cho đảo Lý Sơn: Cần vào cuộc đồng bộ

Huyện đảo Lý Sơn có hơn 21 nghìn dân. Đến nay, đã có nhiều phương án cấp điện cho đảo Lý Sơn nhưng không đạt hiệu quả nên phải dừng. Thiếu điện là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển kinh tế, nhất là thương mại, dịch vụ và du lịch trên đảo.

Để đảm bảo cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng cho huyện đảo Lý Sơn, ngày 14/10/2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. Dự án có quy mô xây dựng 8,7 km đường dây trung áp trên không; 26 km đường dây cáp ngầm trung áp dưới biển từ đất liền ra đảo; dự kiến hoàn thành cuối năm 2014.

Nâng cấp lưới điện phân phối trên đảo Lý Sơn

Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn, EVN CPC đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực để triển khai dự án, xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt và trọng tâm trong kế hoạch 2013 – 2014 của tổng công ty. Trước mắt, để đảm bảo vốn đối ứng khoảng 102 tỷ đồng, EVN CPC đã quyết định tạm dừng hoặc giãn tiến độ đầu tư các công trình chưa thật sự cấp thiết, các công trình xây dựng nhà làm việc, trang bị phương tiện phục vụ sản xuất, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo để trực tiếp theo dõi, xử lý công việc và giám sát chặt chẽ chất lượng, tiến độ công trình.

Đến nay, EVN CPC đã trình  kế hoạch đấu thầu lên EVN. Sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ lập hồ sơ mời thầu EPC gói thầu “Khảo sát thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và lắp đặt cáp ngầm 22kV vượt biển”. Đây là gói thầu chính của dự án. Các vật tư thiết bị khác và công tác đấu thầu xây lắp phần đường dây trên không sẽ được tổ chức sau khi phê duyệt dự án.

Ông Trần Đình Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN CPC - cho biết, do đặc điểm thời tiết biển tại khu vực miền Trung, thời gian thi công trên biển chỉ có thể tiến hành từ tháng 1 - 8, do đó các thủ tục đầu tư cần phải hoàn thành trong quý IV/2013 để đầu năm 2014 khởi công. Đây là yêu cầu rất gấp về tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các thành phần tham gia dự án.

Cũng theo ông Thanh, bên cạnh áp lực về thời gian, EVN CPC đang gặp khó khăn về vốn đầu tư, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất và bố trí kinh phí đền bù cho đoạn tuyến đường dây trên không đi qua xã Bình Trị, huyện Bình Sơn cũng như giải phóng mặt bằng và cấp đất đối với lưới điện trên đảo Lý Sơn để hoàn thành đồng bộ với lưới điện bằng cáp ngầm.

Do tính chất quan trọng và yêu cầu cấp bách về tiến độ thực hiện dự án trên biển để tránh diễn biến bất lợi về thời tiết, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, EVN CPC đang đề nghị EVN làm việc với các đơn vị liên quan và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đăng ký và bố trí đủ vốn cho dự án. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất.

Huyện đảo Lý Sơn có xã An Bình thuộc đảo Bé có hơn 100 hộ đều được đầu tư pin năng lượng mặt trời nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu thắp sáng vài giờ/ ngày.

2 xã An Vĩnh và An Hải thuộc đảo Lớn đã được dùng điện chạy bằng dầu diesel.

Người dân vẫn phải dùng điện giá cao mà vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhiều năm qua, ngành Điện phải bù lỗ rất lớn (năm 2010 lỗ 11,1 tỷ đồng; năm 2011 lỗ 15,7 tỷ đồng và năm 2012 lỗ 18,3 tỷ đồng).

 


  • 30/12/2013 11:13
  • Theo Báo Công Thương
  • 5891


Gửi nhận xét