Để đảm bảo nguồn than cho nhiệt điện?

Để có thể đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII, từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than. Nhiều vấn đề xung quanh nhập khẩu than cho nhiệt điện được nhà quản lý cũng như giới chuyên gia quan tâm và chia sẻ.

 

Ông Hoàng Tiến Dũng – Viện trưởng Viện Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương):

“Bộ Công Thương cần chỉ đạo sát sao hơn nữa!”

Trên thực tế, vấn đề nhập khẩu than vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, do chưa xác định rõ được nguồn than nhập khẩu, các dự án nhập than chưa được tính toán đồng bộ với các dự án nhiệt điện… Vì vậy, nên tôi e ngại là sẽ ảnh hưởng đến tiến độ vận hành của các nhà máy nhiệt điện được thiết kế sử dụng than nhập khẩu. Theo tôi, thời gian tới, Bộ Công Thương cần chỉ đạo sát sao hơn nữa trong việc nhập khẩu than, nhằm đảm bảo cho các dự án nhiệt điện than vận hành đúng tiến độ.

Ngoài ra, khi nhập khẩu, chúng ta sẽ lệ thuộc vào giá than thế giới, nghĩa là khi giá than nhập khẩu tăng thì giá thành sản xuất nhiệt điện cũng sẽ tăng. Vì vậy, giá điện cũng phải tăng theo. Để giải quyết được bài toán này, không cách nào khác hơn là phải để giá điện vận hành theo cơ chế thị trường.

Nếu đảm bảo được tất cả các yếu tố trên, chúng ta mới hy vọng nhiệt điện than có thể “về đích” đúng hẹn, đảm bảo nguồn điện theo đúng Quy hoạch điện VII.

 

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

“Phải tính toán nhiều giải pháp…”

Để đáp ứng nhu cầu của hàng loạt dự án nhiệt điện than trong tương lai, thì việc nhập khẩu than là vấn đề không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, nhập ở đâu, nhập như thế nào, chuẩn bị các yếu tố gì để nhập khẩu đảm bảo ổn định, để giá nhiệt điện không quá phụ thuộc vào giá than nhập khẩu… là vấn đề cần phải xem xét kỹ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tính toán xem, liệu có phải nhập khẩu than là phương án duy nhất đúng?

Theo tôi, nhiều khả năng chúng ta sẽ nhập khẩu than từ Indonesia hoặc Australia. Tuy nhiên, giá than nhập khẩu hiện cao hơn rất nhiều so với giá than trong nước và dự báo sẽ ngày càng tăng do tiềm năng than của các nước cũng không phải là vô tận. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu nhập khẩu than với giá cao và nhiều biến động, liệu giá điện chúng ta có theo kịp?

 

 

Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin):

Vinacomin sẽ cố gắng thực hiện vai trò là đơn vị chủ đạo!

Việc nhập khẩu than đã được Chính phủ xác định là cần thiết, thời gian tới Vinacomin là đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ triển khai chủ đạo.

Với khả năng sản xuất than của Vinacomin từ nay đến năm 2015 là 55-60 triệu tấn, năm 2020 là vào khoảng 67-72 triệu tấn, theo tính toán, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than và đến năm 2020, lượng than nhập khẩu sẽ đạt khoảng 60 triệu tấn, trong đó chủ yếu là để vận hành các nhà máy điện. Lượng than nhập khẩu phục vụ cho nhà máy điện sẽ tăng dần qua các năm. Nguồn than nhập chủ yếu từ các thị trường Indonesia và Australia.

Để đảm bảo nhu cầu than cho phát triển nhiệt điện, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu than, Vinacomin sẽ tập trung phát triển một số dự án mỏ mới có công suất 1,5 - 3,5 triệu tấn mỗi năm…

 


  • 29/12/2011 10:00
  • Theo TCĐL
  • 4386


Gửi nhận xét