Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2018. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu từ các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội ngành, các viện nghiên cứu, trường Đại học. Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tham dự diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Hiện nay, ngành năng lượng đang phải đối mặt với "bài toán" phức tạp và đa mục tiêu, một mặt cần đáp ứng nhu cầu tăng cao để phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác cần đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế về phát triển bền vững. Cùng với đó là sự tới hạn của các nguồn năng lượng truyền thống trong khi các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Nhiều diễn giả trao đổi về ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Một trong các giải pháp quan trọng cho bài toán của ngành năng lượng là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học; cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản… và các hiệp hội năng lượng quốc tế.

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, năng lượng tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Song song với chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy điện… Đảng và Chính phủ đã và đang thiết lập khung chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Có thể kể đến một số chính sách nổi bật như: Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã hợp tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ.

“Đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề như: Kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Xu hướng phát triển công nghệ năng lượng trên thế giới và cơ hội cho Việt Nam; Vai trò của công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp than sạch - Cơ hội và thách thức; Tiềm năng và thách thức công nghệ trong phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam…

Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng năng lượng trong sản xuất kinh doanh và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.


  • 01/08/2018 08:00
  • Bài, ảnh: Hương Nhung
  • 13124