Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ 60% chi phí lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình

Theo thông báo mới nhất từ đại diện Bộ Điện lực, Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo Ấn Độ, chính phủ nước này sẽ trợ cấp 60% chi phí lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho các hộ dân có nhu cầu.

Quyết định trên là một phần trong dự án Điện khí hóa nông thôn quốc gia đã được chính phủ Ấn Độ thông qua, nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp các tấm quang điện và lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho khoảng 1 triệu hộ gia đình tại đất nước đông dân nhất thế giới.

Mỗi hộ gia đình tại Ấn Độ nếu có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ được chính phủ trợ giá 60% chi phí, 40 % còn lại có thể trả ngay hoặc trả dần trong vòng 10 năm theo diện trả góp, việc trả chi phí vay cũng có thể được thực hiện bằng hình thức bán lại lượng điện dư thừa hàng tháng cho các công ty phân phối.

Mặc dù có mức hỗ trợ hết sức thuận lợi, song nhiều chuyên gia đánh giá việc thực hiện thành công mục tiêu đề ra của dự án trên là không hề dễ dàng. Giả sử mỗi ngôi nhà lắp đặt một hệ thống có công suất 3kW, đòi hỏi năng lực cung cấp các tấm quang điện với tổng công suất 30GW cho 1 triệu ngôi nhà. Đây là một thách thức trong khi tốc độ lắp đặt điện mặt trời mái nhà còn rất khiêm tốn, với tổng công suất cho đến nay chỉ hơn 11GW trong khi tổng công suất năng lượng mặt trời trong nước là hơn 72GW. 

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại khu vực ngoại ô Tây Bengal

Việc thực hiện thí điểm mô hình trên được Bộ Điện lực và Năng lượng mới & Năng lượng tái tạo Ấn Độ quản lý, phụ trách triển khai bởi chính quyền các bang và Tổng công ty Điện khí hóa nông thôn Ấn Độ là nhà thầu chính thực hiện.

Ấn Độ là nước sản xuất điện lớn thứ 3 thế giới và đang đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi năng lượng. Việc sản xuất điện từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch hiện chiếm 43% tổng công suất phát điện của Ấn Độ, quốc gia này cũng đang bổ sung nhiều năng lượng tái tạo hơn so với công suất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.


  • 23/02/2024 03:16
  • Minh Thanh (theo ET EnergyWord)
  • 2039