Cảnh báo: Tai nạn điện chết người tại các vùng nuôi tôm

Từ đầu năm đến nay, tại các vùng nuôi tôm khu vực phía nam đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, nguyên nhân là do người dân sử dụng điện tùy tiện.

Theo phòng Kỹ thuật An toàn, Công ty Điện lực Cà Mau, phần lớn các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa chú ý thực hiện theo những hướng dẫn cơ bản về an toàn kĩ thuật điện. Vì vậy, khi kéo điện từ công tơ điện ra đầm nuôi tôm, những hộ thường này chỉ sử dụng một dây nóng (dây nguội cắm xuống đất) để giảm chi phí mua dây điện.

Nhiều hộ nuôi tôm chưa quan tâm đến an toàn sử dụng điện. Ảnh CTV

Đường dây điện có thể kéo xa đến vài trăm mét, các cột đỡ thường không chắc chắn và tạm bợ, ít sử dụng sứ cách điện. Bên cạnh đó, cầu dao ngắt điện lại đặt quá xa, nên khi tai nạn xảy ra không xử lý kịp. Đặc biệt, phần đông người dân, khi lắp đặt mô-tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn.

Nguy hiểm nhất là việc lắp đặt mô-tơ điện không bảo đảm an toàn, không che chắn và bảo quản phù hợp, đặt thấp ở vị trí ẩm ướt. Thậm chí có nơi, người dân còn rải đường dây theo bờ vuông, rủi ro về điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khiến họ phải trả giá bằng mạng sống.

Ngành Điện đã liên tục tuyên truyền về an toàn điện, cũng như cảnh báo các nguy cơ tai nạn điện, nhưng người dân vẫn cứ… làm liều. Theo ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn sử dụng điện đến 18 xã của các huyện, thành phố có diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng. Các cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các tai nạn điện, nhưng người dân cũng cần chủ động tiếp nhận thông tin, nâng cao kiến thức về an toàn điện, để bảo vệ tài sản và tính mạng của bản thân và những người xung quanh.
 

Để sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm, cần lưu ý:

Đường dây:

- Dây dẫn điện từ đường hạ áp vào đầm tôm phải là dây bọc nhựa, chọn dây chịu tải lớn, dây của chính hãng sản xuất có uy tín, tránh mua dây nhỏ, dây bán trôi nổi không nhãn mác, không có tên nhà sản xuất, dễ bị quá tải gây chập điện.
- Đường dây phải nằm trên quả sứ qua các cột điện bằng bê tông cao từ 3 mét trở lên, không nên dùng cột tre gỗ, và không để dây tải điện chạy ngầm trong ao.
- Nguồn điện từ cột về nhà hoặc lán phải mắc qua áp-tô-mát tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu mà phân ra các áp-tô-mát con. Tất cả các áp-tô-mát đều phải để trong nhà, lán hoặc trong hộp nhựa khô ráo.
- Dây điện cần định kỳ kiểm tra, kịp thời phát hiện chỗ bong tróc và thay thế.
Máy bơm:
- Nên đặt máy bơm tại một vị trí cố định, khi lắp cần ngắt nguồn điện và có cầu dao riêng để chủ động ngắt nguồn điện khi có sự cố.

Hệ thống sục khí :

- Quạt nước: Đặt cách bờ 3 - 5 mét, thường xuyên bôi trơn trục máy, dây curoa vận hành nhẹ, kiểm tra độ căng, chốt hãm.
- Hằng tuần kiểm tra các thiết bị cánh quạt, trục máy... kịp thời phát hiện những dấu hiệu nứt, gãy, hở điện. Dùng bút thử điện kiểm tra thường xuyên các dụng cụ máy móc, chỗ đấu nối dây dẫn để tránh hiện tượng hở điện, nhiễm điện.

Lưu ý chung:

- Trong 15 phút đầu sau khi chạy máy, phải luôn theo dõi xem máy có hoạt động tốt hay không.
- Khi máy hoạt động ổn định, thường xuyên kiểm tra 2 giờ/lần.
- Nếu máy bơm, máy quạt nước bị hỏng, cần phải ngắt cầu dao, treo bảng hoặc dán thông báo rồi sau đó mới tiến hành sửa chữa.
- Không nên đi chân đất ra ao nuôi.
- Không nên lội xuống ao khi quạt khí đang hoạt động.

 


  • 20/06/2014 10:52
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 3583


Gửi nhận xét