Bình Phước: Điện mặt trời thúc đẩy kinh tế vùng biên

Qua tính toán chi tiết, nếu đầu tư 1 MWp điện năng lượng mặt trời, mỗi năm đóng góp thuế cho ngân sách là 1 tỷ đồng. Tổng 800 MWp sẽ mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước rất lớn...

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”, tỉnh Bình Phước đã kêu gọi đầu tư phát triển dự án điện mặt trời trên những vùng đất kém màu mỡ, khô cằn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt dự án Điện mặt trời với quy mô 800 MWp tại huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra dự án điện mặt trời ở huyện Lộc Ninh.

Để phục vụ dự án, ngay từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải, đơn vị được chọn thực hiện dự án đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2, để đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia với tổng chiều dài đường dây gần 30 km, chạy qua 5 xã của huyện Lộc Ninh đến điểm cuối là trạm 220 kV Bình Long 2; tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

Đây là hạng mục cấp bách để truyền tải điện, phục vụ kết nối hòa lưới điện quốc gia khi các dự án điện mặt trời đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với 10 nhà thầu thực hiện các công việc phục vụ đầu tư tuyến đường dây này, thời gian dự kiến thi công hoàn thành từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2019.

Vùng đất tỉnh Bình Phước quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời vốn là những khu vực đất bạc màu, không phù hợp với phát triển nông nghiệp. Trước đây, được giao cho một số công ty trồng cao su nhưng không mang hiệu quả. Tuy vậy, đây lại là nơi có cường độ bức xạ mặt trời cao, địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận lợi, không thuộc đất lâm phần, không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh của địa phương nên công tác giải phóng mặt bằng khá thuận lợi.

Ông Hoàng Nhật Tân – Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho hay: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án điện mặt trời, bởi sẽ giúp cải thiện cơ cấu kinh tế của địa phương. Dự án đang được Tập đoàn Hưng Hải triển khai nhanh, đồng bộ, từ mặt hoàn tất các thủ tục pháp lý đến phối hợp đền bù giải phóng mặt bằng”.

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương Bình Phước cho biết: “Trong điều kiện các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện... ngày càng gặp nhiều khó khăn thì phát triển điện mặt trời là một chính sách rất hợp lý. Nó sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều vấn đề. Đó là cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, sản xuất và đời sống nhân dân trong khu vực. Tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Giải quyết được công ăn việc làm cho lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng nhà máy cũng như sau khi các nhà máy đi vào hoạt động.

Trên cơ sở dự án được duyệt thì chủ đầu tư cũng đã tích cực bắt tay ngay vào việc thực hiện dự án. Về địa phương, chúng tôi cũng đã hỗ trợ về mặt thủ tục, mặt bằng… để làm sao dự án sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ”.

Qua tính toán chi tiết, nếu đầu tư 1 MWp điện năng lượng mặt trời, mỗi năm đóng góp thuế cho ngân sách là 1 tỷ đồng. Tổng 800 MWp sẽ mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước rất lớn. Bên cạnh đó, để vận hành 1 nhà máy cần từ 100 – 150 cán bộ, công nhân. Như vậy, nếu khi toàn bộ dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm thường xuyên rất lớn cho địa phương.


  • 20/03/2019 11:56
  • Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
  • 42884