Lính truyền tải điện trên cao nguyên Đăk Nông

Vượt núi, băng rừng, bất kể ngày đêm, dưới mọi thời tiết, những người lính truyền tải điện trên cao nguyên Đăk Nông vẫn miệt mài với công việc, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải…

Công nhân Truyền tải điện Đăk Nông vệ sinh sứ đường dây 500 kV Pleiku - Đăk Nông. 

Theo chân “lính truyền tải” Truyền tải điện Đắk Nông (Công ty Truyền tải điện 3) đi làm vệ sinh sứ cách điện, phát quang hành lang tuyến đường dây 500 kV Pleiku – Đăk Nông, tôi mới thực sự thấu hiểu sự vất vả của những người thợ đường dây trên vùng đất cao nguyên đầy nắng, gió này.

Phải trèo đèo, lội suối, đi bộ nhiều giờ, chúng tôi mới đến được vị trí cần thao tác. Trên đường đi, còn phải “chiến đấu” với ong rừng, muỗi, vắt... Tôi vừa đi vừa sợ, còn các anh vẫn “bình chân như vại”. Tôi bỗng hiểu được vì sao, họ được gọi bằng cái tên thân thương và rất tự hào “lính truyền tải”, bởi nếu không có đam mê, nhiệt huyết và yêu nghề, ít ai có thể vượt qua được những khó khăn, nguy hiểm mà họ phải đối mặt hàng ngày.

Vừa đi, anh Trần Hữu Hoạch - Đội trưởng Đội truyền tải điện Krông Nô vừa tâm sự: “Truyền tải điện Đăk Nông quản lý khu vực phức tạp về địa hình, đồi núi trập trùng, thậm chí, có ngọn cao hơn 800 mét, đi lại khó khăn, đi bộ từ chân đồi lên đến cột điện phải mất hơn 1 giờ, vất vả vô cùng. Trời nắng ráo như hôm nay là rất thuận lợi, những hôm mưa gió, vất vả vô cùng, đường vừa trơn trượt, vừa đối mặt với nước lũ. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ cần phải can đảm mà còn phải có sức khỏe tốt để chống chọi với thiên nhiên”…

Đến bây giờ, anh Trần Hữu Hoạch vẫn nhớ như in trận lũ kinh hoàng xảy ra vào tháng 10/2000 tại huyện Krông Nô. Chưa bao giờ có cơn lũ giữ  kinh hoàng đến vậy. Trận lũ đã nhấn chìm các xã Đắk Nang, Đức Xuyên, Quảng Phú trong một thời gian dài, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Trong trận lũ này, cột 2831 đường dây 500 kV Bắc Nam (mạch I) cung đoạn Pleiku - Phú Lâm thuộc địa phận Đắk Nang đã bị sạt lở chân móng, có nguy cơ đổ trụ, gây sự cố. Nếu không xử lý kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống điện quốc gia.

“Đội Truyền tải điện Krông Nô và nhiều đơn vị khác được huy động đi xử lý sự cố. Anh em phải dựng lán trại ở trên rừng, đi lại toàn bằng xuồng, thuyền. Việc hậu cần cũng được thực hiện tại chỗ, với xoong, nồi, gạo, muối… đều được chuyển từ xa đến hiện trường; thức ăn mặn chỉ là cá suối do dân đánh bắt… Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Truyền tải điện 3 cũng phải sử dụng trực thăng khi chỉ đạo xử lý sự cố.

Được sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cấp, cộng với tinh thần lao động quên mình của CBCNV Truyền tải điện Krông Nô, sự cố đã được khắc phục, đường dây vận hành an toàn không bị gián đoạn, cung cấp điện ổn định”, anh Hoạch chia sẻ.

Vừa từ trên cột cao hàng chục mét xuống đất, anh Nguyễn Thành Lâm - Công nhân Đội Truyền tải điện Krông Nô tâm sự, “Thời gian mới vào nghề, tôi rất lo lắng. Nhưng được các anh đi trước tận tình giúp đỡ, chỉ dẫn và quen dần với công việc, quen với những hiểm nguy phải đối mặt, tôi cảm thấy yêu và tự hào về công việc này. Bởi công việc tuy thầm lặng, nhưng lại góp phần rất lớn trong việc đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế của đất nước và đời sống nhân dân...”.

Tạm biệt những người lính truyền tải trên cao nguyên Đăk Nông đầy nắng gió, khi sắp bước sang một năm mới, tôi thầm mong, thời tiết luôn thuận hòa, để những người thợ đường dây bớt đi phần nào vất vả. Chúc các anh luôn “chân cứng, đá mềm” làm tốt nhiệm vụ giữ cho dòng điện thông suốt.


  • 23/01/2018 09:47
  • Dương Ngọc Anh Minh
  • 1521