Bữa trưa “chan nắng” của lính truyền tải

Nghề truyền tải điện tuy vất vả, nhưng cũng có nhiều thú vị. Được sống hòa với nắng, gió, vượt qua đồi cao, suối sâu, tận mắt ngắm nhìn những cánh rừng già ngút ngàn... Có mấy ai được tận hưởng cảm giác ăn trưa trên cột điện cao vài chục mét, thưởng thức âm thanh của gió vi vu và làm bạn với những cánh chim chao liệng trên bầu trời…

Được mệnh danh là “lính" truyền tải điện vì chúng tôi ăn ở, sinh hoạt, làm việc chẳng khác gì người lính. Những bữa cơm đạm bạc ăn vội ngay chân cột điện, chan mưa, trộn nắng giữa núi rừng hoang vu, thậm chí là nghỉ trưa tại “nhà ăn” trên cột điện cao vài chục mét, từ lâu đã trở thành việc “thường ngày ở huyện”.

Nội quy của chúng tôi: Tại "nhà ăn" và nơi làm việc phải thắt dây an toàn.

Sức ép về tiến độ không cho phép chúng tôi nghỉ ngơi trước khi công việc hoàn thành. Khi sửa chữa đường dây ở vị trí cột cao 40 mét, tận dụng thời gian, chúng tôi thường phải dùng dây kéo đồ ăn, nước uống lên đỉnh cột và “thưởng thức” bữa trưa ngay tại đây.

Cái “nhà ăn” ấy như hòa nhịp với đất trời bao la. Dù phải thắt dây an toàn, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được phút giây đặc biệt, “ăn cùng gió, uống cùng mây”. Bữa trưa diễn ra đơn giản, gọn nhẹ nhất có thể, quan trọng là làm thế nào “nạp năng lượng” thật nhanh, tiếp tục công việc, cố gắng hoàn thành sớm hơn kế hoạch, khẩn trương cấp điện trở lại.

Vậy mà ít ai biết rằng, để có được bữa cơm “trên trời” đó, cũng chẳng dễ dàng chút nào! Nếu gần khu vực dân cư thì việc ăn uống còn thuận lợi, còn ở vùng sâu, vùng xa thời gian thi công kéo dài, nhiều khi còn phải có cả người chuyên trách việc bếp núc, lo chuyện cơm nước cho anh em.

Vất vả và nguy hiểm là thế, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều niềm vui trong công việc. Các tuyến đường dây truyền tải điện đa phần đi qua vùng núi, rừng hiểm trở, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, làm việc, sinh hoạt rất khó khăn. Song, ngược lại, tình cảm đầm ấm của bà con dành cho lính truyền tải điện lại vô cùng nồng ấm và chân tình. Những khi thấy anh em làm việc thông trưa, không kịp ăn cơm, bà con thương quá mang cả củ mì ra mời, rồi chung tay giúp anh em làm những việc có thể. Được sự giúp đỡ của bà con, lính truyền tải điện như được tiếp thêm sức mạnh, quên hết mệt nhọc, quên cả cái đói, cái nắng nung người giữa buổi trưa hè…

Anh Lương Duy Việt, công nhân Đội Truyền tải điện Kon Plong (Đ14), Truyền tải điện Kon Tum, PTC2 chia sẻ: “Có nhiều người gọi chúng tôi là “diễn viên xiếc” vì có thể bước thoăn thoắt trên dây cách mặt đất vài chục mét. Có những người cho rằng nghề truyền tải khá phiêu lưu với những ngày dài “gánh mưa, vác bão”, vượt sông suối, leo núi cao, kiểm tra từng vị trí cột… Nhưng chúng tôi luôn yêu công việc và rất tự hào đã cùng anh em vượt qua gian khó, đảm bảo lưới điện an toàn phục vụ cho nước, cho dân, trong đó có những người thân yêu của mình.

Trải qua nhiều năm tháng làm việc với những cột, kèo, dây rợ… những bữa cơm hộp chan mưa, uống nắng, những vết rách da thịt do gai rừng, những núi cao, vực thẳm, sông sâu, những lần đi tuyến dài ngày đã tôi luyện công nhân truyền tải điện trở thành những người lính thực thụ”.

12 giờ trưa, mặc cho ngoài trời nắng nóng trên dưới 40 độ, mặc cho không gian như thiêu như đốt, lính truyền tải điện vẫn miệt mài công việc. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má, thấm đẫm những bộ đồng phục đã bạc màu vì mưa nắng, họ vẫn hăng say lao động, cống hiến sức lực của tuổi trẻ cho đất nước Việt Nam thân yêu.


  • 20/06/2017 11:27
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2341