Tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng: Vẫn thiếu những giải pháp căn cơ

Đó là nhận định của GS.TS. Phan Hồng Khôi - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ của Trung tâm Phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khi trao đổi về mục tiêu tiết kiệm điện (TKĐ) giai đoạn 2020-2025 trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng (CSCC).

GS. TS. Phan Hồng Khôi

PV: Thưa GS, ông có thể đánh giá về tiềm năng TKĐ trong CSCC của Việt Nam hiện nay? 

GS. TS. Phan Hồng Khôi: Có thể khẳng định, tiềm năng TKĐ trong CSCC của Việt Nam hiện nay rất lớn. Chính vì vậy, Chỉ thị số 20/CT-TTg đưa ra chỉ tiêu TKĐ 20% là hợp lý, nhưng cần phải có các giải pháp căn cơ và quyết tâm cao mới có thể đạt được.

Phải nói thêm rằng, Chỉ thị đưa ra mục tiêu này cũng đã có tính đến tốc độ đô thị hóa ở nước ta đang tăng nhanh. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đến cuối năm 2019 đạt khoảng 40%, đến năm 2025 sẽ đạt 40,91% và năm 2030 là 44,5%.

Đô thị hóa tăng nhanh sẽ kéo theo sự tăng trưởng và mở rộng các hệ thống CSCC trên toàn quốc, có nghĩa là số lượng các công trình chiếu sáng mới, không chỉ chiếu sáng cầu đường mà cả chiếu sáng nghệ thuật, trang trí, lễ hội, quảng cáo cũng sẽ tăng lên đáng kể khiến tổng lượng điện tiêu thụ cho CSCC cũng tăng cao. 

PV: Theo ông, để đạt được mục tiêu về TKĐ trong CSCC yếu tố nào sẽ có ý nghĩa quyết định? 

GS. TS. Phan Hồng Khôi: Theo tôi, có 4 yếu tố chính: 

Trước tiên, việc chuyển đổi công nghệ chiếu sáng truyền thống sang công nghệ chiếu sáng LED thông minh sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định thành công trong CSCC. Khả năng TKĐ mà đèn LED mang lại rất rõ, từ 50% - 70% so với các đèn truyền thống đang còn sử dụng hiện nay. Ngoài ra, với tuổi thọ cao gấp hơn 5 lần so với đèn truyền thống có cùng công năng, đèn LED đặc biệt hiệu quả khi đưa vào CSCC. Công nghệ chiếu sáng thông minh không chỉ cho phép TKĐ nhiều hơn nữa (có thể đến 80%), mang đến nhiều lợi ích cho công tác quản lý, vận hành các hệ thống CSCC. 

Thứ 2, cơ chế và các giải pháp thực hiện việc đa dạng hóa phương thức đầu tư ban đầu cho CSCC. 

Thứ 3, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm LED và các thiết bị điều khiển chiếu sáng thông minh và tiêu chuẩn quy chuẩn cho các công trình CSCC sử dụng đèn LED và chiếu sáng thông minh.

Thư 4, giá các sản phẩm chiếu sáng LED, giá các thiết bị điều khiển chiếu sáng thông minh. Yếu tố này có ý nghĩa rất lớn đến tốc độ và quy mô đổi mới/chuyển đổi công nghệ CSCC của các các đô thị/thành phố có tiềm lực khác nhau ở nước ta.

PV: Thưa Giáo sư, ngoài 4 yếu tố mà ông vừa đề cập thực tế TKĐ trong CSCC ở Việt Nam vẫn còn những rào cản?

GS. TS. Phan Hồng Khôi: Đúng là các rào cản và thách thức đối với TKĐ trong CSCC vẫn đang hiện hữu. Hiện nay, tiết kiệm năng lượng đối với khu vực công ích nói chung và đối với CSCC nói riêng chưa thật sự có sức hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư cũng như người sử dụng. Ở nhiều nước, các nhà đầu tư thường hợp tác với các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO hoặc siêu ESCO). Ở nước ta, cho đến nay, có hình thành một số tạm gọi là ESCO nhỏ lẻ, nhưng không đủ khả năng tài chính để thực hiện các dự án lớn và gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có các tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn cho CSCC (chiếu sáng cầu đường, quảng cáo, trang trí ngoài trời). Tôi cho rằng, vấn đề này cần sớm được nghiên cứu xây dựng và ban hành.  

Ngoài ra, công nghệ chiếu sáng LED và chiếu sáng thông minh đã và đang phát triển rất nhanh, chủng loại rất đa dạng, chất lượng ngày càng cao, giá thành ngày càng giảm. Tuy nhiên, thông tin quảng cáo về chất lượng, giá thành lại rất khác nhau, phụ thuộc vào từng hãng sản xuất, gây khó khăn cho người sử dụng. Đây lại là một trở ngại lớn và là rào cản đối với người sử dụng trong việc lựa chọn loại đèn, thiết bị thay thế hoặc lắp đặt mới cho công trình chiếu sáng của mình.  

Việc chiếu sáng quá mức tiêu chuẩn, đặc biệt, chiếu sáng trang trí, quảng cáo, lễ hội… có xu hướng gia tăng, không những gây lãng phí điện rất lớn mà còn gây ô nhiễm ánh sáng, gây tác hại đến sức khỏe của cộng đồng. 

PV: Chúng ta cần có những giải pháp nào để vượt qua những thách thức, rào cản, thưa ông?

GS. TS. Phan Hồng Khôi: Theo tôi, để tháo gỡ được những rào cản nêu trên, cần phải có các giải pháp cụ thể hơn và thực thi quyết liệt và đồng bộ hơn.

Thứ nhất, nên đa dạng hóa các phương thức đầu tư cho các dự án CSCC tiết kiệm năng lượng; phương thức thu và sử dụng tiền TKĐ nhờ ứng dụng công nghệ chiếu LED và chiếu sáng thông minh; cách thức sử dụng tiền TKĐ hoàn trả cho nhà đầu tư và khuyến khích người/đơn vị áp dụng công nghệ CSCC TKĐ một cách hiệu quả.  

Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (Wold Bank), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)/Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP)… Đẩy nhanh việc thành lập các công ty ESCO đủ mạnh ở Việt Nam để tham gia thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, cần sớm cập nhật, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy định cho CSCC sử dụng đèn LED và công nghệ chiếu sáng thông minh. Sớm đưa ra các chế tài xử lý nghiêm và minh bạch các công trình chiếu sáng gây ô nhiễm ánh sáng.

Thứ tư, phải có một đơn vị giám sát độc lập về chất lượng CSCC, sớm đưa ra các chế tài xử lý nghiêm và minh bạch. Thường xuyên kiểm tra định kì về mức độ gây ô nhiễm ánh sáng, quy chế thưởng phạt phải rõ ràng. Theo tôi, quy chế phạt trong TKĐ nói chung và CSCC nói riêng cần được xây dựng và thực hiện nghiêm như quy chế phạt của ngành Giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông! 
 


  • 11/01/2021 09:23
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1157