Phát triển năng lượng tái tạo gắn với du lịch

Tận dụng những ưu thế của năng lượng tái tạo, nhiều địa phương đã kết hợp du lịch tạo nên những tour đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây trên các diễn đàn du lịch, những bức ảnh chụp với quạt gió từ Nhà máy Phong điện Phú Quý, Bình Thuận được rất nhiều bạn trẻ chia sẻ và mong muốn được check in ít nhất một lần trong đời.

“Phong điện” là cách gọi khác của những chiếc quạt gió được xây dựng để tạo ra nguồn điện phục vụ cho người dân trên đảo Phú Quý.  

Trên đảo hiện có 3 cây quạt gió, mỗi cây có chiều cao 60 m, chiều dài của cánh quạt là 37 m. Từ trên ngọn hải đăng và đỉnh núi chùa Linh Sơn có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc quạt gió khổng lồ này. Đặc biệt, đường đi ra tham quan những cây quạt gió này rất đẹp, một bên là biển, một bên là những hàng dương trồng dọc hai bên đường đi.

Hà Linh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đã có hai người bạn của Linh đi “phượt” tại đảo Phú Quý. “Những bức ảnh các bạn chụp về rất tuyệt vời. Đó là hình ảnh những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới những chiếc quạt gió. Có bạn tìm được góc chụp tưởng như đang ở trời Tây du lịch với những chiếc cối xay gió. Em dự định hè sang năm sẽ đi du lịch Phú Quý một lần”, Linh nói.

Tại Việt Nam hiện nay có 3 cánh đồng quạt gió chụp ảnh tuyệt đẹp, đó là cánh đồng quạt gió Bạc Liêu, đảo Phú Quý và Nhà máy điện gió Tuy Phong, Bình Thuận.

Tại Bạc Liêu, tháng 8/2018, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khảo sát, góp ý để phát triển sản phẩm du lịch Bạc Liêu. Đoàn khảo sát đến khu du lịch Nhà Mát, Cánh đồng Điện gió Bạc Liêu, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, thưởng thức biểu diễn nhạc ngũ âm tại chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Các thành viên khảo sát đã thống nhất, gợi ý Bạc Liêu có những sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo, không bị trùng lắp với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh về du lịch văn hóa, tín ngưỡng, sinh thái và đặc biệt là loại hình du lịch năng lượng tái tạo sẽ giúp Bạc Liêu trở thành điểm sáng của du lịch vùng…

Mới đây, Quảng Bình đã đặt ra kế hoạch gắn phát triển năng lượng tái tạo với phát triển du lịch. Ông Phan Văn Trường, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho hay, Quảng Bình xác định phát triển các nguồn năng lượng sạch là phương châm đồng hành với chiến lược phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để khuyến khích phát triển ngành năng lượng sạch, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp như: Giảm tối đa 50% số tiền ký quỹ đất so với mức chung; Doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định hiện hành; các dự án tổng mức đầu tư từ 10 tỷ trở lên được hỗ trợ 2% tổng vốn đầu tư dự án (không bao gồm chi phí GPMB), tối đa lên đến 5 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào dự án tối đa lên đến 5 tỷ đồng; Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động tối đa 500 triệu đồng/ dự án...

“Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, quyết tâm bứt phá đi lên trở thành tỉnh phát triển trong vùng, Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ làm hết sức mình thực sự sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án nói chung và các dự án năng lượng nói riêng có hiệu quả và bền vững tại tỉnh”, ông Trường khẳng định.


  • 11/02/2019 02:55
  • Nguồn: nangluongsachvietnam.vn
  • 1993