Lắp đặt điện mặt trời tại tòa nhà EVN: Tạo tác động kép

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại trụ sở Tập đoàn. Tietkiemnangluong.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Phú - Phó Tổng giám đốc phụ trách nhiệt điện và điện mặt trời Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) - đơn vị đầu tư thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Hải Phú

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại tòa nhà EVN?

Ông Nguyễn Hải Phú: Với quy mô công suất 19,84 kWp, khi đưa vào vận hành, hệ thống sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn cung cấp điện cho tòa nhà EVN. Đồng thời, khẳng định chủ trương chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc tăng cường đầu tư phát triển điện mặt trời trên cả nước.

Việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại tòa nhà EVN sẽ tạo tác động kép: Giúp giảm hóa đơn tiền điện, đồng thời cũng góp phần tuyên truyền, quảng bá việc sử dụng năng lượng sạch.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp nguồn điện xanh, sạch và bảo vệ môi trường. Ở Việt Nam, điện mặt trời có tính khả thi cao, dễ thực hiện, đặc biệt là điện mặt trời lắp mái.

PV: PECC2 chọn sử dụng công nghệ pin đa tinh thể khi thực hiện dự án, công nghệ này có những ưu điểm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Phú: Công nghệ pin đa tinh thể (Polycrystalline Technology) hiện là công nghệ pin phổ biến nhất trên thế giới cũng như ở trong nước. Việc PECC2 lựa chọn công nghệ pin đa tinh thể sử dụng cho dự án thay vì lựa chọn công nghệ pin đơn tinh thể hay những công nghệ pin khác vì pin đa tinh thể có những ưu điểm như cho hiệu suất cao hơn (từ 15-17%), cũng như chi phí hệ thống cân bằng thấp. Một ưu điểm nữa là pin công nghệ đa tinh thể được cung cấp khá dồi dào vì đã được sản xuất trong nước.

PV: Xin ông cho biết việc quản lý vận hành và bảo dưỡng sẽ được thực hiện như thế nào khi hệ thống đi vào vận hành?

Ông Nguyễn Hải Phú: Do các tấm pin được đấu nối vào hệ thống điện của tòa nhà thông qua thiết bị inverter và được giám sát thông qua hệ thống SCADA, hệ thống này cho phép vận hành, giám sát từ xa nên việc quản lý vận hành sẽ rất thuận tiện. Ngoài ra, tất cả các trang thiết bị cần thiết để vận hành đã được PECC2 thiết kế, xây dựng hoàn toàn tự động.

Việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời tại tòa nhà EVN, PECC2 kiến nghị tiến hành bảo trì tổng thể 1 năm/lần. Riêng với các thiết bị quan trọng như inverter phải được tiến hành kiểm tra và bảo trì thường xuyên, cùng với đó là việc kiểm tra bằng mắt thường nhằm phát hiện các dấu hiệu hư hại vật lý xảy ra đối với hệ thống.

Pin năng lượng mặt trời sẽ được vệ sinh 2 tháng/lần và được thực hiện vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, đây là những thời điểm tốt nhất trong ngày để vệ sinh pin năng lượng mặt trời.   

PV: Xin cảm ơn ông!

Dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại tòa nhà EVN

  • Quy mô công suất là 19,84 kWp.
  • Tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng.
  • Dự kiến triển khai trong 45 ngày (từ ngày 15/8/2017).
  • Vị trí lắp đặt tại mái khối đế (sân tầng 5) của tòa nhà, diện tích khoảng 450 m2.
  • Sử dụng công nghệ pin đa tinh thể (hiệu suất tối thiểu 16%).
  • Các tấm pin được đấu nối vào hệ thống điện của tòa nhà thông qua thiết bị inverter và được giám sát thông qua hệ thống SCADA.


  • 22/08/2017 04:00
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 4512