Kinh nghiệm rút ngắn thời gian vận hành quạt trong nuôi tôm giúp tiết kiệm điện

Kinh nghiệm rút ngắn thời gian vận hành quạt trong quá trình nuôi tôm nhằm tiết kiệm điện (TKĐ) của ông Cô Trúc Giang, ngụ Khóm 1, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là một điển hình trong việc tìm tòi và áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí trong quá trình nuôi tôm, góp phần tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Ông Cô Trúc Giang tại ao nuôi tôm

Ông Giang có 2 ao nuôi tôm (1 ao diện tích 1.600m2, 1 ao 1.800m2), tổng diện tích 3.400m2. Từ đầu năm 2015 đến nay, ông nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp.

Nhằm bảo vệ môi trường nuôi tôm, ông chỉ luân phiên nuôi 1/2 ao, ao còn lại để làm ao lắng. Từ đầu năm 2021 đến nay, ông đã thu hoạch 1 vụ, hiện đang nuôi vụ thứ 2, với 100.000 con giống. Những vụ trước đây, bình quân lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/vụ...

“Vụ nuôi hiện tại, tôm đã hơn 03 tháng, tôi dự kiến hơn 04 tháng sẽ thu hoạch, nhằm cho tôm đạt 50 con/kg, giá sẽ khá hơn. Đồng thời, tôi áp dụng biện pháp tiết kiệm điện (TKĐ) bằng cách rút ngắn thời gian vận hành quạt trong quá trình nuôi...”, ông Cô Trúc Giang chia sẻ.

Với cùng diện tích nuôi, cùng vụ nuôi, nhưng những vụ trước, khi chưa áp dụng phương pháp rút ngắn thời gian vận hành quạt trong quá trình nuôi, bình quân tiền điện ông phải chi trả từ 19-20 triệu đồng/4 tháng/vụ nuôi, nhưng khi áp dụng phương pháp này, những vụ gần đây chi phí còn từ 15-16 triệu đồng/4 tháng/vụ nuôi.

Chia sẻ về kinh nghiệm rút ngắn thời gian vận hành quạt trong quá trình nuôi tôm, ông cho biết: Cần bố trí quạt và thời gian chạy quạt đảm bảo nhu cầu ô-xy cho tôm.

Đặc biệt là thời điểm chiều tối, đêm và gần sáng, khi lượng ô-xy thấp nhất trong ngày. Vào thời điểm nắng nóng hoặc mưa kéo dài, cũng cần vận hành quạt cho tôm; thời điểm tôm còn nhỏ không cần chạy quạt, đến khi tôm có nhu cầu ô-xy (khoảng 15 ngày sau khi thả con giống) bắt đầy chạy, nhưng cân đối sao cho thời gian phù hợp với độ tuổi của tôm, diện tích ao, mật độ nuôi.

Khi cho tôm ăn, bỏ thức ăn vào chộp (dụng cụ cho tôm ăn), đưa xuống cho tôm ăn để kiểm tra độ mạnh, yếu của tôm. Sau 30 phút kéo chộp lên, nếu còn thức ăn trong chộp, tôm ăn không hết, có thể tôm bị yếu, nên vận hành quạt ngay, để tăng nguồn ô-xy cho tôm, kích thích tôm ăn mồi mạnh hơn. Nếu không còn thức ăn trong chộp thì không cần chạy quạt.

Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật cho thời gian chạy quạt, tôm từ 1 tháng tuổi đến khi thu hoạch có thời gian chạy quạt khác nhau nhằm tránh lãng phí điện năng cũng là 1 trong những biện pháp khuyến khích các hộ nuôi tôm áp dụng để tiết kiệm điện.


  • 24/08/2021 03:43
  • Trường Nguyên
  • 1166