Hướng đến công xưởng chế tạo năng lượng

Cơ hội nào cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị phát triển công nghiệp năng lượng toàn cầu; Giải pháp nào để phát triển bền vững các nguồn năng lượng của đất nước, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giải pháp nào để Việt Nam trở thành công xưởng chế tạo trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng... là những vấn đề lớn được các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội.

Những kết quả bước đầu

Cách đây gần 30 năm, việc áp dụng công nghệ mới đến với quá trình phát triển của ngành năng lượng đã được thể hiện sinh động qua công nghệ khai thác dầu trong đá móng granitoit. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã áp dụng thành công trong thăm dò và khai thác mỏ dầu Bạch Hổ. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy, ngành dầu khí đang đi đầu trong việc ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất. PVN đã không ngừng phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN bằng việc tiếp nhận thành tựu KHCN mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn. Đáng chú ý là các công trình KHCN tiêu biểu như: Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m; Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m...

Ngành Điện những năm qua cũng đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Nhiều công trình điện được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; trình độ KHCN ngành Điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực. Trong đó, công nghệ đập bê tông đầm lăn là công nghệ tiên tiến đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện tại Việt Nam; hệ thống truyền tải không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và trạm biến áp có điện áp đến 500 kV; tổn thất điện năng giảm; cơ khí điện cũng có nhiều thành tựu KHCN được áp dụng...

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thành, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, nhìn chung ngành năng lượng Việt Nam đã có những kết quả tích cực theo các định hướng chiến lược đề ra và đạt được một số mục tiêu cụ thể, bao gồm số hộ dân nông thôn có điện, tỷ lệ năng lượng mới và tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp thương mại. Tuy nhiên, cũng có một số mục tiêu đã không thực hiện được như năng lực lọc dầu; liên kết hệ thống năng lượng khu vực chưa đủ mạnh...

Tập Đoàn Điện lực Việt Nam nâng cấp hệ thống năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa.

Công nghệ trong nước làm được gì?

Trao đổi tại diễn đàn, TS. Michael Braun - Chuyên gia tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ (CHLB Đức) nêu quan điểm, việc hiện đại hóa ngành năng lượng Việt Nam đòi hỏi vô số công nghệ mới, nguồn lực và năng lực nhất định. Theo đó, Việt Nam cần phải xác định rõ chiến lược công nghệ năng lượng là tạo ra hay mua các công nghệ năng lượng mới; xác định cụ thể chiến lược cải tiến công nghệ năng lượng với trọng tâm cụ thể; từ đó phát triển chuỗi giá trị công nghệ năng lượng đó, trong đó xác định rõ vị trí thế mạnh của mình.

Trong lĩnh vực năng lượng cho chiếu sáng, PGS.TS Lê Văn Doanh (Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn phân khúc sản xuất thiết bị chiếu sáng theo hướng nhập chip LED, sản xuất driver cho LED kết hợp lắp ráp. Đồng thời, nghiên cứu phát triển kênh chiếu sáng chuyên dụng như chiếu sáng nông nghiệp, chiếu sáng trong chăn nuôi, chiếu sáng đánh bắt hải sản... là những lĩnh vực tiềm năng ở Việt Nam. Trong phát triển điện mặt trời, PGS.TS. Tạ Cao Minh, Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, nước ta có nhiều cơ hội từ tự nhiên đến chính sách để phát triển điện mặt trời. Tới đây cần có lộ trình cụ thể và dài hạn, xác định vai trò của nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư; tiếp tục tăng cường cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hộ sản xuất và tiêu thụ năng lượng điện mặt trời...

Tin tưởng Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế tạo trong lĩnh vực năng lượng, chuyên gia Nguyễn Văn Vy nêu khuyến nghị, ngành Điện nên tập trung phát triển nguồn điện cung cấp cho các dự án trong nước và ngoài nước; trong lĩnh vực điện tái tạo, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, từng bước nâng cao tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước; về lưới điện, nên tập trung nghiên cứu chế tạo máy cắt điện. Với ngành Dầu khí, nên tập trung chế tạo dàn khoan cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước; tham gia đấu thầu để xuất khẩu cho các nước có nhu cầu. Tương tự, ngành Than chú trọng cung cấp đủ thiết bị khai thác cho nhu cầu trong nước và cho các mỏ than khai thác tại nước ngoài (nếu có).

Về giải pháp, theo chuyên gia Nguyễn Văn Vy, cần tập trung nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; các giàn khoan khai thác dầu khí và các thiết bị, kết cấu siêu trường, siêu trọng khác phục vụ ngành công nghiệp dầu khí. Nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế. Chủ động và tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới sản xuất chế tạo thiết bị toàn bộ trong một số lĩnh vực trọng điểm...

Trong chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Bộ KH&CN chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu áp dụng công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KHCN nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Trên cơ sở đó, Bộ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia 2016- 2020 về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng


  • 02/08/2018 10:06
  • Nguồn: daibieunhandan.vn
  • 1506