Điện gió vẫn đợi giá lên

Việt Nam có đạt được mục tiêu 1.000 MW điện gió trước năm 2025 hay không tùy thuộc nhiều vào mặt chính sách để tối ưu hóa những tiềm năng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, gió trên đất liền sẽ là một trong những nguồn thay thế nhanh chóng và bền vững nhất so với các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện than, địa nhiệt hay điện hạt nhân…, nhưng Việt Nam chỉ mới đi những bước đầu tiên.

Bối cảnh mới

Tập đoàn công nghiệp General Electric (GE), nhà phát triển năng lượng tái tạo Mainstream Renewable Power và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam đang cùng hợp tác xây dựng và vận hành trang trại điện gió Phú Cường, công suất 800 MW tại tỉnh Sóc Trăng.

Thỏa thuận hợp tác 3 bên này có giá trị lên tới 2 tỷ đô la Mỹ đã được ký vào đầu tháng 6/2017, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross, nhân chuyến thăm cấp cao đến Mỹ của người đứng đầu Chính phủ.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được coi là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360 MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020.

Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy Việt Nam có nhiều thuận lợi cho việc lắp đặt các tua bin gió lớn - Ảnh: Ng.Tuấn.

Nghiên cứu của WB cũng cho thấy 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 0,2%.

Thêm nữa, tốc độ giảm giá nhanh chóng của năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận vốn đối với các dự án “xanh”… nhiều khả năng trở thành các giải pháp hiệu quả, với chi phí dài hạn, mức độ ô nhiễm thấp và nhận được nhiều hơn sự ủng hộ từ cộng đồng so với việc sử dụng điện than.

Thế nhưng, phát triển điện gió tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mực. Theo số liệu của Bộ Công Thương tính đến thời điểm này, có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam, nhưng chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2 MW đã đi vào vận hành thương mại.

Dự án đầu tiên và có công suất lớn nhất là Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng ngày 9.9.2010.

Kế đến là Dự án Điện gió Bạc Liêu xây dựng trên diện tích 1.300 ha, với tổng vốn đầu tư là 5.217 tỷ đồng. Đến tháng 1.2016, Điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành việc đầu tư toàn bộ 62 tua-bin gió, với tổng công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu KWh/năm.

Một dự án khác là Điện gió Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo (REVN) đã hoàn thiện việc lắp đặt 20 trụ tua-bin gió với tổng công suất 30 MW vào tháng 7.2012.

Cũng tại tỉnh Bình Thuận, dự án điện gió trên đảo Phú Quý có giá trị đầu tư khoảng 17 triệu USD, vốn đầu tư là 387 tỷ đồng, với quy mô 3 turbin gió, công suất 6 MW, được đưa vào vận hành năm 2012.

Mới đây nhất, Dự án Điện gió Phú Lạc của Công ty cổ phần điện gió Thuận Bình, tỉnh Bình Thuận, với công suất 24 MW, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng cũng bắt đầu vận hành vào đầu tháng 9/2016.

Vượt trội nhờ công nghệ

Năng lượng gió đã có bước tiến vượt bậc. Theo công bố của Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), tính đến cuối năm 2015, tổng công suất phát điện gió trên toàn thế giới đã lên tới 432,42 GW, tăng 17% so với năm 2014 và lần đầu tiên cao hơn công suất điện nguyên tử.

Chính phủ nhiều nước phát triển coi việc phát triển năng lượng gió như một nền tảng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và công nghệ chính là “chìa khóa” để mở kho tài nguyên vô tận này. Theo xu hướng đó, GE đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển điện gió, tính đến năm 2016, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

GE Renewable Energy đã phát triển công nghệ có thể tạo ra các “bản sao kỹ thuật số” (digital twin) của mỗi tua-bin để mô phỏng cách làm thế nào để có được nhiều năng lượng nhất trên một địa hình trước khi lắp đặt một tua-bin thực tế.

Cách tiếp cận này có thể giúp tăng năng suất của mỗi trang trại gió lên khoảng 20% và tạo ra giá trị khoảng 100 triệu USD trong vòng đời của một trang trại có công suất 100 MW.

Kế đến, công nghệ sản xuất tua-bin của GE tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng, với cánh quạt bằng sợi áp lực, thiết kế động lực học ít tiếng ồn, nhẹ hơn và mang lại hiệu năng cao, phụ tải thấp.

Hệ thống WindSCADA giám sát trực quan hiệu suất của nhà máy điện gió bằng bản đồ nhiệt theo công suất của tua-bin và công suất nhà máy, kiểm soát tua-bin từ xa, chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài nhà máy, xác định các sai lệch về hiệu năng, phân tích và báo cáo nâng cao…

Phần mềm PlusePoint giúp phân tích dữ liệu rung động của hệ thống truyền động và phát hiện bất thường trong dữ liệu SCADA nhằm tiết kiệm trên 10% chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, chi phí do ngưng hoạt động, và tăng công suất toàn vòng đời của thiết bị.

Hệ thống giám sát thông minh cho các nhà máy điện gió từ các trung tâm vận hành từ xa cũng được GE “đưa đến tận tay” các khách hàng. Hiện nay GE cũng đang giám sát 8.500 tua-bin đã vận hành trên toàn cầu, tiết kiệm được khoảng 7.000 USD/tua-bin/năm chi phí xử lý sự cố từ xa và quan trọng là chỉ mất trung bình khoảng 6 phút để vận hành trở lại tua-bin bị lỗi…

Những công nghệ này đã giúp các khách hàng của GE vận hành hiệu quả các nhà máy điện gió. Đó cũng là nền tảng để GE triển khai hơn 30.000 tua-bin gió với tổng công suất hơn 50 GW tại 35 quốc gia trên toàn thế giới, tính đến thời điểm hiện tại.

Sau hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam, GE đã triển khai sản xuất một số bộ phận tua-bin gió tại Việt Nam để bán ra thị trường toàn cầu. Nhà máy sản xuất máy phát cho tua-bin gió của GE đặt tại Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng) là một trong những nhà máy được đánh giá là hiệu quả nhất thế giới của Tập đoàn này.

Sản phẩm chính của nhà máy này là máy phát của turbin gió loại 60 Hz và các thiết bị điện gió khác để xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ với công suất 1.000 – 1.500 máy phát/năm, trong khi vẫn sản xuất cả các máy phát công suất 50 Hz phục vụ nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Nhà đầu tư vẫn đợi

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng, dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình 10,5% mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và 8.0% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Điện năng tiêu thụ dự kiến đạt 234,6 TWh tới năm 2020 và 506 TWh tới năm 2030 – tăng gấp bốn lần so với năm 2014.

Các mục tiêu trong Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh được đặt ra nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, thu hút đầu tư mới và đảm bảo thực hiện các quy chuẩn về môi trường.

Tuy nhiên, mục tiêu phát triển nguồn điện gió vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) có tham vọng lớn hơn nhiều so với năm 2020, với công suất 6.000 MW điện gió. Điều này đồng nghĩa, điện gió tăng gần 8 lần, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức rất lớn không chỉ cho các cơ quan nhà quản lý nhà nước mà còn với chính các chủ đầu tư.

Đến nay, các nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng sẽ sớm có Hợp đồng mua bán điện (PPA) điện gió có thông tin rõ ràng về mức FIT, đặc biệt là thời gian Chính phủ quyết định mua điện.

Phương án tăng giá mua điện gió đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng hồi tháng 11/2016, theo xác nhận từ ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương. Song đến nay, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi giá mua điện gió mới được thông qua, nhằm khích lệ các nhà đầu tư và các ngân hàng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Theo ông Andres Isaza, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thương mại GE Renewables, một PPA với mức giá rõ ràng, minh bạch sẽ giúp các nhà đầu tư tính toán được lời lãi và đó cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư và ngân hàng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Nếu năng lượng gió có giá 9,35 cent như năng lượng mặt trời hiện nay, năng lượng gió sẽ được phát triển nhanh chóng và đáng kể. Chi phí cho năng lượng gió vào thời điểm năm 2016 là 7,8 cent/kW và có thể sẽ tăng lên trong năm 2017.

Hiện, GE đang cùng với các cơ quan có liên quan của Chính phủ Việt Nam định hình Hợp đồng mua bán điện (PPA). Ông Andres Isaza tin rằng kế hoạch 1.000 MW điện từ các dự án điện gió vào năm 2025 “nằm trong tầm tay” khi có PPA.

GE đang cung cấp hơn 30% tổng công suất điện trên cả nước sau 24 năm đầu tư vào Việt Nam. Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GE khu vực ASEAN, nói đang tiếp tục xây dựng những mối quan hệ đối tác lâu dài với các khách hàng, đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam.

Hiện GE đã đưa vào Việt Nam danh mục sản phẩm và hệ sinh thái các giải pháp năng lượng trên quy mô toàn cầu, từ sản xuất điện đến các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ lưu trữ và hỗ trợ tài chính cho chương trình năng lượng của các quốc gia.


  • 03/07/2017 11:25
  • Theo: nhipcaudautu.vn
  • 1978