Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du thủy điện: Để chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai

Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du sẽ giúp người dân hạ du thủy điện chủ động ứng phó với ngập lụt, đồng thời giảm thiểu thiệt hại nếu như thủy điện thực hiện xả lũ theo đúng quy trình. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN)

PV: Xin ông cho biết, tính cấp thiết phải khẩn trương thiết lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du thủy điện?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Theo quy định hiện hành về quản lý an toàn hồ, đập chứa nước, việc xây dựng bản đồ ngập lụt (trong các tình huống xả lũ theo quy trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp và vỡ đập) là yếu tố đầu vào đặc biệt quan trọng khi xây dựng phương án ứng phó với tình trạng ngập lụt vùng hạ du các đập thuỷ điện. Bản đồ ngập lụt mô tả phạm vi và mức độ ngập lụt tại vùng hạ du đập.

Theo các kịch bản, khi phương án bản đồ ngập lụt được phê duyệt, các cơ quan chức năng sẽ xác định được phạm vi, độ cao và thời gian ngập lụt tại các khu dân cư và các cơ quan, tổ chức có liên quan, từ đó xây dựng các phương án hành động khẩn cấp (thông báo, sơ tán nhân dân, huy động các lực lượng ứng phó…) phù hợp với tình huống được lựa chọn.

Sau khi xây dựng phương án ứng phó, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ tổ chức phổ biến, diễn tập cho các lực lượng và nhân dân địa phương, để họ có thể chủ động ứng phó trong tình huống khẩn cấp xảy ra.

PV: Bản đồ ngập lụt hạ du sẽ giúp người dân, chính quyền địa phương chủ động ứng phó khi thủy điện thực hiện xả lũ theo quy trình như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Khi đã có bản đồ ngập lụt hạ du, các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương phía hạ du đập sẽ nắm được thông tin chi tiết về các khu vực có khả năng bị ngập cũng như chiều cao ngập và thời gian sẽ bị ngập từ khi nhận được thông báo, qua đó, có thể thực hiện sơ tán, ứng phó với tình huống ngập lụt theo phương án đã được diễn tập từ trước. Việc chủ động thực hiện phương án ứng phó sẽ giảm thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du.

Đối với từng hộ dân cụ thể, sẽ biết được tình huống khẩn cấp nhà mình có bị ngập hay không, ngập đến đâu và thời gian bắt đầu bị ngập, từ đó sẽ chủ động sơ tán, ứng phó theo phương án đã được thống nhất.

PV: Xin ông cho biết, trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du thuộc cơ quan nào?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Theo các điều khoản quy định trong Nghị định 114 năm 2018, trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du như sau:

Vùng hạ du bị ảnh hưởng của 1 đập: Chủ đập phải xây dựng và phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du;

Vùng hạ du bị ảnh hưởng của nhiều đập trên địa bàn 1 tỉnh: UBND tỉnh sẽ tổ chức xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du và chuyển kết quả cho các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng phương án ứng phó;

Vùng hạ du bị ảnh hưởng của nhiều đập trên địa bản 2 tỉnh trở lên, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng, phê duyệt và chuyển giao cho các địa phương và các cơ quan, chủ đập có liên quan để xây dựng phương án ứng phó.

Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du sẽ giúp người dân hạ du thủy điện chủ động ứng phó với ngập lụt

PV: Là chủ của nhiều công trình thủy điện lớn, EVN sẽ phối hợp như thế nào với bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện bản đồ ngập lụt hạ du?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Đến thời điểm tháng 9/2018, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng xong bản đồ ngập lụt hạ du trong các tình huống xả lũ và sử dụng kết quả để xây dựng phương án ứng phó cho vùng hạ du trình UBND các tỉnh phê duyệt.

Đối với việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ trong tình huống vỡ đập, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo lộ trình. Cho đến nay, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành và trình các cơ quan chức năng phê duyệt và áp dụng khi xây dựng các phương án ứng phó.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 22/10/2018 03:48
  • Lê Việt (thực hiện)
  • 21156