Vì sao ngành điện hạt nhân phải giành chiến thắng trong cuộc chiến quan hệ cộng đồng?

Các mũi nhọn đang chĩa vào ngành điện hạt nhân sau các sự kiện thảm khốc ở nhà máy Fukushima Daiichi tại Nhật Bản. Ngành điện hạt nhân vẫn sẽ phải hứng chịu đòn, nhưng nói về ngày tàn của điện hạt nhân thì thật sai lầm.

Dù có tuyên truyền kiểu gì cũng không thể thay đổi được thực tế: Tai họa giáng vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do động đất và kèm theo đó là cơn sóng thần là một thảm họa cực kỳ nặng nề đối với Nhật Bản và ngành điện hạt nhân.

Ngày 11/3/2011, nhà máy Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo đã phải chịu trận động đất 9 độ Richter và cơn sóng thần tiếp theo giáng vào.

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Khi xảy ra động đất, cả sáu lò phản ứng nước sôi đều đã ngừng hoạt động như dự kiến nhưng sóng thần đổ tới đã đánh sập nguồn điện dự phòng cần thiết để duy trì làm mát lò phản ứng. Điều này mở đầu một chuỗi các sự kiện, mà theo như tạp chí PEI đã đăng tải, gây ra tai nạn điện hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện Chernobyl năm 1986.

Các mũi nhọn giờ đây đang chĩa về ngành điện hạt nhân. Sau sự kiện Fukushima, sự ủng hộ của công chúng đối với điện hạt nhân đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1986, và các triển vọng ngắn hạn xem ra thật ảm đạm.

Những người ủng hộ môi trường gây áp lực kêu gọi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Các chính trị gia thấy được ngay cơ hội giành lá phiếu của các cử tri nếu như tỏ ra cứng rắn đối với điện hạt nhân. Hầu như ngay lập tức, Thụy Sĩ đã hãm lại ngay kế hoạch thay thế các lò phản ứng trong nước.

Bước đầu tiên Thủ tướng Đức Angela Merkel hoãn kế hoạch kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng của Đức và tiếp sau đó đóng cửa 7 lò phản ứng được xây dựng trước năm 1980. Mọi tia sáng hy vọng mong manh một ngày nào đó sẽ bắt đầu một chương trình hạt nhân xây dựng mới chắc chắn giờ đây đã bị dập tắt.

Italy đã bỏ phiếu đóng cửa các nhà máy hạt nhân trong nước từ hồi năm 1987 sau sự cố Chernobyl. Trớ trêu là sắp có cuộc trưng cầu dân ý nữa về hạt nhân dự định sẽ tổ chức vào tháng 6/2011, đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi xảy ra vụ Fukushima, và tai nạn này chắc chắn sẽ thúc đẩy cử tri đi bầu trong một cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc về kế hoạch của Enel xây dựng bốn lò phản ứng EPR của Areva.

Do có một số lò phản ứng nước sôi được thiết kế tương tự như nhà máy xấu số Daiichi Fukushima, nên ngành điện hạt nhân của Mỹ sẽ phải chịu áp lực buộc phải củng cố các nhà máy cũ hơn, đặc biệt là ở bờ biển miền Tây. Ngay cả trước khi xảy ra sự kiện Fukushima thì chương trình xây dựng mới vốn đã không được mặn mà, thì bây giờ có thể sẽ dừng lại hoàn toàn do thiếu sự ủng hộ về chính trị.

Đông Nam Á cũng như Nhật Bản, là một khu vực kém ổn định địa chất, người dân có ý thức cao về bảo vệ môi trường. Chính trị gia các quốc gia nhạy cảm về sinh thái như Malaysia, là nước có kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng 1.000 MW vào năm 2021, giờ đây chống lại năng lượng hạt nhân để mong đạt nhiều lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử và như vậy kết liễu luôn các kế hoạch xây dựng mới.

Ngay cả Trung Quốc vốn có xu hướng muốn công luận phải theo chứ không phải nghe theo công luận, đã thông báo sẽ đình chỉ phê duyệt các dự án hạt nhân mới cho đến khi có các quy định mới về an toàn hạt nhân. Các biện pháp này có thể hoàn toàn chỉ mang tính chính trị. Chính quyền nhiều nơi thấy được giá trị của điện hạt nhân và đang chờ để cơn “hoang mang tâm lý” có thể hiểu được dần dà sẽ lắng xuống.

Các nhà cung cấp lò phản ứng sẽ phải chịu áp lực để đánh giá lại thiết kế thế hệ thứ III mới nhất của họ. Một số các lò phản ứng này hứa hẹn hệ thống an toàn thụ động trong trường hợp tắt lò phản ứng vẫn duy trì hoạt động các máy bơm trong hệ thống làm mát. Tuy nhiên trong thực tế, các lò phản ứng này vẫn cần có nguồn điện dự phòng để tránh khả năng hỏng lõi.

Các công ty điện lực đang tìm cách đầu tư vào hạt nhân chắc chắn sẽ phải suy nghĩ lại. Nhiều công ty điện lực Mỹ thường nói xây dựng nhà máy hạt nhân chẳng khác gì “đặt cược cả công ty”. Hiện giờ chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân chắc chắn sẽ tăng. Rủi ro thảm họa xóa sổ các tài sản đắt tiền sẽ phải được xem xét lại, và ngành công nghiệp hạt nhân sẽ phải chú tâm theo dõi các đơn tiềm tàng đòi bồi thường của những người bị nhiễm xạ ở Nhật Bản.

Các cổ đông của nhà máy điện hạt nhân ngay sau khi xảy ra sự kiện này đã tỏ ra khá tức giận về việc các phương tiện thông tin đại chúng khi đưa tin về trận động đất lớn nhất được ghi nhận ở Nhật Bản ban đầu lại tập trung vào cuộc khủng hoảng Fukushima mà không phải vào cảnh chết chóc và tàn phá nặng nề hơn nhiều do sóng thần gây ra. 

Quan điểm này là có thể hiểu được, nhưng cũng dễ thấy vì sao tin tức truyền hình, bản tin phát thanh và báo chí lại chọn đưa sự kiện Fukushima lên hàng đầu. Bởi vì cho dù sóng thần khủng khiếp và gây chết chóc, nhưng người ta dễ hiểu cơn sóng thần tàn phá hơn so với các lò phản ứng hạt nhân gặp trục trặc.

Vật lý hạt nhân thật phức tạp, bức xạ thì không nhìn thấy được. Các dòng tít giật gân về “tan chảy” và “mưa phóng xạ” gieo rắc trong lòng những người xa lạ với công nghệ này nỗi sợ hãi gần như phi lý về sự cố nhà máy điện hạt nhân.

Cụ thể là các nhà máy điện than thải chất phóng xạ vào không khí nhiều hơn so với các lò phản ứng hạt nhân, khai thác than mỗi năm gây thương vong hàng mấy ngàn người. Vụ nổ nhà hóa chất Union Carbide tại Bhopal, Ấn Độ năm 1984 gây nguy hiểm nhiều hơn cho sức khỏe con người và làm mấy ngàn người thiệt mạng, nhiều so với tai nạn Chernobyl hai năm sau đó, nhưng người ta chỉ nhớ đến thảm họa Chernobyl.

Sự cố tại nhà máy Fukushima ngày 11/3/2011

Năng lượng hạt nhân vẫn là bí ẩn đối với hầu hết mọi người. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng quan hệ cộng đồng kém làm hại đến ngành điện hạt nhân. Có lẽ sau này vẫn vậy. Tuy nhiên, ngành điện hạt nhân đã làm quá ít trong công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được các tiêu chuẩn an toàn cao được xây dựng hết sức tỉ mỉ mà các nhà máy hạt nhân phải tuân thủ và những thành tích tốt đã đạt được trong vận hành các nhà máy điện hạt nhân những năm gần đây.

Giờ thì đã quá muộn. Đúng vào lúc người ta bàn về sự phục hưng hạt nhân toàn cầu đang nhanh chóng trở thành hiện thực thì ngành điện hạt nhân lại phải chịu một cú đấm nặng nề có thể khiến nó phải lui lại nhiều năm. Có thể không có gì tệ hại hơn về quan hệ cộng đồng đối với điện hạt nhân hơn là những hình ảnh truyền hình trực tiếp của không phải chỉ một, hai, mà là ba tòa nhà lò phản ứng nổ tung và các đám mây hình nấm cuồn cuộn bốc lên bầu trời trong xanh Nhật Bản.

Có thể dễ dàng từ bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên đối với hầu hết các nước, đây sẽ là một sai lầm. Hầu hết các quốc gia đâu có bị động đất và sóng thần nặng nề như ở Nhật Bản và công nghệ lò phản ứng hiện đại hứa hẹn sẽ an toàn hơn. Điện hạt nhân vẫn là nguồn điện tin cậy nhất, phát thải ít cacbon, cung cấp điện cho phụ tải nền và đảm bảo an ninh năng lượng.


  • 19/08/2011 04:59
  • Theo Quản lý ngành Điện
  • 23610