Truyền thông đa kênh: Đưa hình ảnh ngành Điện đến với công chúng

Xu hướng đan xen và kết hợp giữa các kênh truyền thông truyền thống và truyền thông kĩ thuật số ngày càng phát triển, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải thích ứng được với sự đa dạng đó. Đối với EVN, truyền thông đa kênh được phát triển thông qua nỗ lực của các phương tiện thông tin đại chúng trong Ngành và tranh thủ dư luận ủng hộ từ xã hội.

Đa kênh trên cùng một phương tiện

Trong những năm qua, hội nhập cùng với xu hướng phát triển của truyền thông thế giới, công tác truyền thông ngành Điện cũng đã có những bước chuyển mình đáng kể. Với một nội dung thông tin, ngành Điện đã cố gắng truyền tải trên càng nhiều phương tiện truyền thông càng tốt (báo in, website, video clip, mạng xã hội…), mà xu hướng chung là một nội dung thông tin được truyền đi bằng cách kết hợp nhiều kênh (kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng, kênh đồ họa,… ngay trên một phương tiện truyền thông (chẳng hạn ngay trên website).

Xu hướng truyền thông đa kênh được thể hiện trong ngành Điện là mở rộng nhiều hơn các phương tiện truyền thông đại chúng. Trước đây, ngành Điện có một tạp chí nhưng số lượng trang ít lại phải dành nhiều trang cho những vấn đề kỹ thuật. Nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành đều có bản tin riêng, nhưng phạm vi phát hành hẹp, thông tin chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ do thời gian xuất bản giữa các kỳ quá dài... Đến nay, Tạp chí Điện lực đã có 2 chuyên đề xuất bản hàng tháng phục vụ độc giả trong và ngoài Ngành là Thế giới điện và Quản lý hội nhập. Ngoài ra, các trang website là www.evn.com.vn ; www.tietkiemnangluong.vn và chuyên trang Văn hóa EVN cũng đều có sự đổi mới cách đưa thông tin, phân loại đối tượng thích hợp, cung cấp cho công chúng nhiều thông tin nhanh, chính xác, thiết thực, đưa hoạt động của  Ngành đến với công chúng. Vừa đưa tin trên cả báo in và website, ban biên tập lại tận dụng ưu thế của việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, giúp người đọc có thể dễ dàng dùng smartphone trao đổi thông tin nhanh gọn và chính xác.

Việc khẩn trương xử lý những sai sót trên hóa đơn thu tiền điện  tại Hà Nội, lắp công tơ điện tử ở Thành phố Hồ Chí minh được tiến hành thuận lợi, có phần đóng góp của phương tiện truyền thông này. Đa kênh diễn đạt và truyền tải đã giúp ngành Điện đưa thông tin kịp thời và tiếp cận tối đa công chúng trong thời gian nhanh nhất có thể. Giờ đây, mỗi khách hàng của EVN không chỉ tìm thấy thông tin về Ngành từ báo ngoài mà còn nghe được “tiếng nói” từ chính EVN. Ngành Điện đang từng bước “kết nối” với công chúng, không “thu mình” trong khuôn khổ những cái nhìn thiếu thiện cảm, hoặc sai sót thông tin từ một số phương tiện truyền thông không chính thức.

Đội ngũ những người làm truyền thông ngành Điện đã từng bước chuyên nghiệp hơn, năng động hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của báo chí thời kỳ mới  -  Ảnh: EVN EIC

Vai trò con người trong truyền thông đa kênh

Xác định bạn đọc trở thành trung tâm và là người quyết định đối với mỗi kênh thông tin, mỗi ấn phẩm, hơn nữa, với tốc độ thông tin trong truyền thông đa kênh, việc đưa tin nhanh, chính xác và có tính kết nối cao đặt ra cho đội ngũ những người làm truyền thông ngành Điện cần phải có những kỹ năng thích ứng. Mặt khác, do hoạt động của EVN trải dài trên nhiều vùng, miền, có nền văn hóa khác nhau nên việc đưa tin theo xu hướng địa phương hóa thông tin cũng cần được áp dụng.

Bên cạnh tốc độ sản xuất tin tức thay đổi (chế độ tin tức 24/7), mỗi người làm truyền thông phải trở thành “người kể chuyện” cho nhiều loại hình. Đây là 1 đòi hỏi tất yếu và có lợi cho EVN, bởi từ đây, EVN có thể đưa ra vô số câu chuyện, giúp người dân hiểu mình hơn như, những tấm gương trong lao động; cống hiến của họ khi đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những thành quả của Ngành…

Ví dụ gần đây nhất là sự kiện đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn của EVN được giới truyền thông ghi nhận là một chiến dịch “kể chuyện” thành công. Bằng những câu chuyện và cách kể sáng tạo, người dân đã thấy nhu cầu của họ dần dần được EVN đáp ứng, từ đó tăng thêm thiện cảm, yêu mến và sự sẻ chia với EVN. Đồng thời, EVN cũng cần đào tạo, bồi dưỡng  cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện trở thành những “người kể chuyện”. Họ là những đại sứ của Tập đoàn với xã hội, đồng thời lại là lực lượng truyền thông dồi dào nhất của EVN.

Cơ hội và thách thức…

Tuy phát triển nhanh và đạt những thành quả rất đáng ghi nhận, nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, truyền thông ngành Điện vẫn chưa đáp ứng được tối đa yêu cầu tiếp nhận thông tin của khách hàng. Ngoài xã hội, những tiếng nói ủng hộ ngành Điện cần phải chiếm số đông hơn nữa. Những thông tin chưa biết đúng hay sai trên nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội rõ ràng vẫn gây ra những phản ứng xã hội không mấy thiện cảm và còn nhiều nghi ngờ về hoạt động của EVN. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác truyền thông, xin có vài suy nghĩ:

* Việc đổi mới, phát triển các cơ quan truyền thông là rất quan trọng. Phát triển thêm các cơ quan truyền thông trên mạng internet lại càng đúng hướng trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. Tuy thế, hiệu quả của các ấn phẩm và website này đến đâu?. Người dùng điện rất đa dạng, bao gồm nhiều lứa tuổi, không chỉ riêng lớp trẻ. Vì vậy, hình thức truyền tải thông tin cần phải thu hút độc giả nhiều hơn nữa.

* Trong thời đại công nghệ, bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh khốc liệt giữa các báo điện tử, các website với nhau. Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, cần đầu tư về tổ chức, trang thiết bị, đổi mới nội dung các trang tin. Tuy nhiên, mọi thành bại được quyết định bởi con người. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao vị thế nghề nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, biên tập viên, phóng viên trong nội bộ là cực kỳ quan trọng.

* Việc liên kết thông tin như hiện nay là cần nhưng chưa đủ. Cần loại bỏ dần quan hệ mang tính hình thức để đi vào thực chất. Kinh nghiệm từ Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, nhờ cán bộ truyền thông của Công ty có sự phối hợp tốt với các đài báo nên thông tin của ngành Điện Thành phố thường kịp thời, chính xác, giúp cho công tác truyền thông của Tổng công ty luôn đạt hiệu quả cao. Trong truyền thông, ngoài thông tin, rất cần đến PR để người dân luôn được tiếp xúc với những vấn đề liên quan đến đời sống của mình.
 


  • 28/07/2015 06:21
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6333


Gửi nhận xét